(GLO)- Ở Gia Lai, những người tuổi lục tuần chơi quần vợt không nhiều. Do gánh nặng tuổi tác nên đa số chơi theo kiểu “ầu ơ”, “dưỡng sinh” là chính. Cá biệt, có tay vợt Trương Công Rân (60 Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku) thường xuyên tranh tài các giải đấu trong và ngoài tỉnh cùng con cháu, dân đồng môn gọi đó là “ông già gân” của quần vợt Phố núi.
62 năm vẫn... chạy tốt
Tại Giải Quần vợt GTC tranh Cúp Head 2016 tổ chức ở tỉnh ta mới đây đã xảy ra câu chuyện bi hài. Cặp đôi Đạo (huyện Chư Pah)/Nghĩa (huyện Chư Sê) đã chủ động chọn “đối thủ ưa thích” của mình ở vòng knock out là đôi Rân/Phương của Câu lạc bộ Tâm Giao (TP. Pleiku).
Ông Trương Công Rân (trái) và con trai. Ảnh: M.V |
Có thể hiểu cặp đôi Đạo/Nghĩa chủ quan ỷ y rằng, dù có hay đến mấy thì ở độ tuổi 62, “già Rân” dễ rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm” trong cuộc đua về thể lực giữa tiết trời nắng gắt. “Trông gà hóa cuốc”, rốt cuộc họ đã lầm to. Khi lâm trận trong vai trò “át chủ bài”, Trương Công Rân “tả xung hữu đột”, lên công về thủ thanh thoát như thanh niên. Kết quả cặp Rân/Phương giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 6-3. Rời khỏi sân đấu, trong khi “già Rân” vẫn tươi tỉnh hồng hào, thì đối phương mặt mày tái mét, dáng đi xiêu vẹo vì kiệt sức.
Người xưa thường nói “trẻ cậy sức, già cậy mưu”, nhưng ở “già Rân”, nhờ luyện tập 7 ngày trong tuần nên ở tay vợt này hội đủ cả “sức” lẫn “mưu”. Bởi vậy hầu hết nội dung đôi nam lứa tuổi U60 được tổ chức ở tỉnh ta trong thời gian qua, như một thói quen được mặc định, chiếc Cúp vô địch thường tìm đến chủ nhân Trương Công Rân.
Không chỉ thống trị sân chơi trong tỉnh, “già Rân” còn rất chịu chơi, đâu có giải là ông xách vợt lên đường để giao lưu học hỏi đồng môn trong cả nước. Ông đã từng nhiều lần lên Kon Tum, sang Đak Lak, xuống Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, vào TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu… để thi thố cùng con cháu. Trong những chuyến du đấu đó, “già Rân” nhớ nhất vào năm 2009, khi ông lập cú đúp vô địch nội dung đôi nam và đôi nam-nữ tại Nha Trang…
“Miễn nhiễm” với bệnh tật
Chừng 20 năm về trước, lần đầu tiên môn quần vợt bắt đầu được phổ biến tại Gia Lai, Trương Công Rân chuyển từ cầu lông sang môn thể thao này. Từ đó đến nay, ngày nào “già Rân” cũng ra sân tiếp chiêu đối thủ từ 2 đến 3 séc mới chịu về nhà ăn cơm. Hôm nào trời mưa, không được “quần thảo” với quả banh nỉ, ông cảm thấy ngứa ngáy khó chịu đến mất ngủ. Nhờ vậy, suốt 20 năm qua “Ông già gân” này miễn nhiễm với bệnh tật, chẳng biết bệnh viện là gì. Ở tuổi 62, hiện nay mắt của ông vẫn còn sáng, bụng hóp, lưng thẳng, bước chân nhanh nhẹn khiến nhiều người cùng trang lứa mơ ước.
Nói về “già Rân”, anh Võ Văn Thới (Câu lạc bộ Quần vợt Quang Trung) cho biết: “Tôi cũng thuộc dạng có thể lực khá tốt, nhưng anh ấy thể lực cũng không hề thua kém. Trên sân bóng, khi được làm đồng đội với anh Rân, mọi người đều cảm thấy rất tự tin, thi đấu tốt hẳn lên. Còn khi là đối thủ, phải luôn luôn tập trung cao độ, vì anh ấy thường xuyên tung ra những đường bóng tấn công hiểm hóc để hạ gục đối phương. Nhờ có tư duy chiến thuật sắc sảo, khi đối đầu với anh ấy, người ta phải mất hai phần công lực, còn “già Rân” chỉ mất một phần, vì vậy việc chênh lệch tuổi tác không phải là vấn đề quan trọng với anh ấy”.
Thấy được tác dụng của môn thể thao này, nhà có 3 người, “già Rân” động viên vợ và con trai chiều đến ra sân cùng chơi quần vợt. Bởi vậy hiện nay gia đình ông có thể tham gia thi đấu tốt ở ba nội dung: đôi nam, đôi nam nữ và đơn nam. Riêng con trai Trương Long Phi (32 tuổi), hiện là một trong những tay vợt thuộc diện “số má” tại tỉnh ta.
Để góp phần thúc đẩy phong trào quần vợt Gia Lai phát triển lên tầng nấc mới, cả “già Rân” và con trai ông, hiện đang là thành viên tích cực đồng sáng lập ra GTC (Gia Lai Tennis Club), thu hút hầu hết các “môn đệ” quần vợt trong toàn tỉnh tham gia sân chơi này.
Minh Vỹ