Thể thao

Ông Trần Anh Tú: 'Chỉ VPF và VFF là không đủ để thay đổi V-League'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ tịch công ty VPF chia sẻ sau những biến cố gần đây liên quan đến công tác trọng tài cũng như lùm xùm ở cấp thượng tầng của bóng đá Việt Nam.

Ông Trần Anh Tú hiện tại giữ chức Chủ tịch công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF - đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.


 - Sáu tháng đã qua, kể từ khi ông ngồi vào chiếc ghế quyền lực ở VPF tháng 12/2017, có rất nhiều sự kiện đã xảy ra. Từ chuyện tranh đoạt vị trí ở VFF rồi bạo lực sân cỏ, công tác trọng tài và gần đây nhất là vụ vạ miệng của phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng... Cá nhân ông đánh giá thế nào về quãng thời gian này?

- Việc đúng sai, được hay chưa được, ai tốt ai xấu có lẽ nên để người ngoài đánh giá sẽ khách quan hơn. Cá nhân tôi đang tập trung tái thiết VPF theo hướng tinh gọn mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Thực tế đã chứng minh điều này. Công tác truyền thông của V-League ngày càng đảm bảo được quyền lợi cho các nhà tài trợ, việc góp ý về công tác trọng tài, dù biết sẽ đụng chạm nhiều bên, vẫn được xử lý mạnh dạn... Hoặc tình trạng bạo lực sân cỏ, VPF cũng rất mạnh tay. Sau mỗi lượt đấu, chúng tôi đều nhanh chóng thu thập băng hình, căn cứ vào báo cáo của các giám sát cũng như thông tin trên báo chí và dư luận để tập hợp các tình huống cần xử lý. Sau đó sẽ có một cuộc họp với nhiều thành phần để xem xét. Với những trường hợp cần thiết, VPF sẽ gửi toàn bộ tài liệu cho Ban kỷ luật của VFF để ra quyết định kỷ luật. Chính vì vậy mà vừa qua, các trường hợp cần phải phạt nguội đã được xem xét và xử lý kịp thời.

- Dường như ông chỉ đang nhắc đến những điều tốt đẹp?

- Tất nhiên vẫn còn hạn chế, nhưng sáu tháng là thời gian quá ngắn để có thể thay đổi cả một hệ thống. Chúng tôi vẫn vận hành các giải đấu giống mấy năm gần đây. Tuy nhiên trong tương lai sẽ có nhiều điều phải thay đổi theo hướng hiện đại, để cho bóng đá trở lại đúng nghĩa là một môn giải trí. Việc này hoàn toàn không dễ vì một mình VPF không thể quyết định được, mà tất cả các thành phần tham gia vào giải đấu phải có cùng tư duy và cách làm theo hướng như vậy.


 

Dưới sự điều hành của ông Trần Anh Tú, VPF đã mạnh tay xử lý bạo lực sân cỏ.


 - Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại niềm tin của người hâm mộ đang lung lay khi trên sân vẫn còn những tiếng còi méo và trong phòng họp các lãnh đạo đang tìm cách bôi nhọ, thậm chí đe dọa lẫn nhau?

- Chúng ta không nên nhìn vào các sự việc đơn lẻ để phủ nhận bức tranh tổng thể. Tôi tin người hâm mộ sẽ không quay lưng lại với bóng đá Việt Nam sau những sự việc trên. Điều quan trọng nhất lúc này là phải làm sao để giải đấu được điều hành tốt, có nhiều đội bóng đá hay và các trọng tài làm việc công tâm.

- Làm thế nào để "các trọng tài làm việc công tâm" như mong muốn của ông?

- VPF thực ra không có thẩm quyền chấn chỉnh trọng tài. Nhưng khi có những vấn đề xảy ra làm ảnh hưởng đến giải đấu, chúng tôi đều kiến nghị ngay với VFF. Chúng tôi đã làm việc này một cách quyết liệt, theo hướng đảm bảo các tiêu chí mà VFF đã đề ra, giúp giảm thiểu những vụ việc gây lấn cấn cho các đội bóng. Gần đây chúng tôi lại nhận được đề xuất về việc thuê trọng tài ngoại. Thực ra, trọng tài ngoại trình độ chưa chắc đã tốt hơn trọng tài nội, nhưng giải quyết được vấn đề tâm lý cho các đội bóng và kể cả người hâm mộ ở những trận đấu có tính nhạy cảm cao, nhất là các trận đấu cuối mùa giải. Chúng tôi sẽ tính toán, căn cứ vào tình hình thực tế.


 

Người hâm mộ đã đến sân nhiều hơn sau hiệu ứng U23, nhưng điều này sẽ không duy trì lâu nếu chất lượng giải đấu không được cải thiện.


 - Vậy còn chuyện các lãnh đạo bôi nhọ nhau trong phòng họp, dẫn đến việc ông Trần Mạnh Hùng từ chức. Quan điểm của VPF về vấn đề này như thế nào?

- Sự việc này xảy ra trong cuộc họp hôm 15-5 do Ban Kiểm tra VFF tổ chức để giải quyết chuyện cá nhân giữa ông Trần Mạnh Hùng và ông Dương Văn Hiền - phó Ban trọng tài. Ông Hùng trong lúc không kiềm chế đã có những lời nói phản cảm và bị ông Hiền ghi âm. Trong cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 22-5, ông Hùng đã nhận trách nhiệm và chủ động xin từ chức.

Nếu ở trong hoàn cảnh xảy ra sự việc, tôi nghĩ có thể sẽ thông cảm cho sự bột phát của ông Hùng. Tuy nhiên, trong cuộc họp Hội đồng quản trị vừa qua, tất cả các Ủy viên dự họp đều thấy rằng đây là một bài học kinh nghiệm không chỉ riêng của ông Hùng mà còn cho tất cả những người khác, đặc biệt là những ai đang làm việc trong lĩnh vực bóng đá. Mọi lời nói hay hành vi cần phải thể hiện làm sao để bảo vệ hình ảnh của VPF nói riêng, và bóng đá Việt Nam nói chung.

- Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của những biến cố gần đây đến cách vận hành các giải đấu của VPF trong tương lai?

- Tôi là người may mắn khi đến với bóng đá mà không bị vướng bận điều gì, nên có thể mạnh dạn xử lý các công việc nhạy cảm. Tôi cũng là người luôn mong muốn đổi mới nên thời gian qua và tương lai sau này VPF sẽ có những chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam rất phức tạp. Để thay đổi mà chỉ trông chờ vào VPF hay VFF là không đủ, mà cần sự đồng lòng của tất cả những bên liên quan.

Đức Đồng (VNE)

Có thể bạn quan tâm