Phấn đấu đến năm 2030 loại trừ sốt rét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 20 năm thực hiện phòng chống sốt rét, đến năm 2010 cả nước đã không có dịch xảy ra, tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân hiện là 0,61. Song để loại trừ được sốt rét đến năm 2030, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống sốt rét giai đoạn 2011-2020, có định hướng đến năm 2030.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Y tế cho biết đến nay đã hoàn thiện việc dự thảo Chiến lược quốc gia trên. Dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý của nhân dân trước khi tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ (Bạn đọc có thể góp ý dự thảo tại đây).

Chiến lược quốc gia phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 dự kiến sẽ đặt mục tiêu đến 2015, 95% bệnh nhân sốt rét được điều trị đúng phác đồ, đủ liều, đủ ngày theo quy định và tỷ lệ này năm 2020 sẽ là trên 98%.

Tẩm màn bằng hoá chất phòng chống sốt rét cho người dân.
Dự thảo Chiến lược cũng nêu chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ mắc sốt rét đạt dưới 0,15/1.000 dân, tỷ lệ chết do sốt rét dưới 0,02/100.000 dân, loại trừ bệnh sốt rét tại ít nhất 40 tỉnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

10 năm qua, đã giảm 96,4% tỷ lệ mắc sốt rét

Bộ Y tế cho biết, thực tế Việt Nam đã thực hiện Chương trình tiêu diệt sốt rét ở miền Bắc từ năm 1958 và sau đó mở rộng ra cả nước vào năm 1976. Trong những năm đầu thực hiện, tỷ lệ dân mắc sốt rét đã giảm 20 lần ở khu vực miền Bắc và giảm 4 lần ở khu vực miền Nam.

Tuy nhiên, đầu thập kỷ 80, tình hình sốt rét ở nước ta đã quay trở lại ở một số tỉnh. Tình hình sốt rét càng trở nên xấu đi cho đến năm 1991 khi có hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, gần 5.000 trường hợp tử vong do sốt rét và 144 vụ dịch sốt rét đã xảy ra trên khắp cả nước.

Bởi vậy, Việt Nam đã áp dụng chiến lược từ tiêu diệt sốt rét sang phòng chống sốt rét. Những năm gần đây, Chương trình phòng chống sốt rét đã giúp giảm đáng kể số người tử vong do sốt rét, giảm trường hợp mắc và giảm dịch sốt rét. Chương trình này cũng đã trở thành 1 trong các dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.

Bộ Y tế cho biết, năm 2010, cả nước có 20 trường hợp tử vong do sốt rét (con số này cách đây 10 năm là 5.000 trường hợp), 53.876 trường hợp mắc sốt rét (năm 1991 là hơn 1 triệu người mắc) và không có dịch sốt rét lớn xảy ra. Tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân là 0,61, giảm 84,1% và giảm 96,4% so với năm 2000 và năm 1991.

Bộ Y tế thống kê phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2009, cả nước đã có 62,7% quận, huyện, thị xã (437/697 huyện) thuộc 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không còn bệnh sốt rét lưu hành.

Chỉ tiêu với đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét cao

Tuy nhiên, toàn quốc hiện có 190 huyện có sốt rét lưu hành nhẹ thuộc 34 tỉnh và 70 huyện có sốt rét lưu hành nặng, vừa. Phạm vi bệnh sốt rét tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đối tượng bị mắc sốt rét chủ yếu là nhóm dân đi rừng, ngủ rẫy, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa,...

Bởi vậy, Bộ Y tế cho biết, trong dự thảo Chiến lược quốc gia phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011- 2020 cũng đã xác định tiêu chí trong vòng 5 năm nữa (2015) phải đạt hơn 85% và đến năm 2020 đạt trên 95% người có nguy cơ mắc sốt rét cao (đi rừng, ngủ rẫy...) sử dụng biện pháp phòng chống sốt rét, như nằm màn tẩm hóa chất và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm có từ 10 đến 12 triệu người trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi miễn phí, thuốc sốt rét cũng được cấp miễn phí từ 1 - 2 triệu liều/năm.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm