(GLO)- Năm 2015, dự án thi công đường Trường Sơn Đông tiếp tục được Quốc hội ghi vốn bổ sung 800 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Chính từ nguồn vốn dồi dào, các đơn vị thi công giàu kinh nghiệm chính là yếu tố quan trọng giúp tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua tỉnh Gia Lai sớm được khai thông toàn tuyến trong quý II-2015.
Đổi thay trên con đường chiến lược
Ảnh: N.G |
Có mặt trên cung đường huyền thoại Trường Sơn Đông những ngày đầu Xuân 2015, theo đoàn công tác của tỉnh Gia Lai do ông Hà Sơn Nhin-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn, chúng tôi được nghe và tận thấy nhiều thay đổi trên con đường đã và đang được các đơn vị thi công ra sức đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm nhất các hạng mục bàn giao cho đơn vị quản lý ngay khi hoàn thành.
Luôn nở nụ cười mỗi khi có người nhắc đến con đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện Kbang và các địa phương khác của tỉnh Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin luôn là người tỏ rõ nhất sự vui mừng. Mặc dù tuyến đường chưa hoàn thành (90% khối lượng công trình) nhưng cuộc sống người dân sống dọc theo tuyến đường này đã và đang dần khởi sắc. Tất cả đã đổi thay khi cung đường Trường Sơn Đông bắt đầu được khai tuyến, mở đường cho buôn làng phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự vui mừng: Việc Chính phủ phê duyệt đầu tư con đường Trường Sơn Đông có rất nhiều ý nghĩa kể cả về quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội cho đồng bào các địa phương trên tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua. Riêng Gia Lai đường Trường Sơn Đông đi qua với 247 km từ huyện Kbang đến huyện Krông Pa, qua 6 huyện và 26 xã, tất cả nơi có tuyến đường đi qua đều là những xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Con đường Trường Sơn Đông là nơi giao thương đồng bằng, kết nối với tỉnh ta qua các tuyến đường 19, 25 tạo ra sự giao thương thông thoáng giữa miền ngược với miền xuôi, đặc biệt là việc vận chuyển hàng hóa, sản phẩm lao động của bà con nông dân trở nên thuận lợi và là điểm mở cho tỉnh nhà phát triển, qua đó sẽ có thêm nhiều hơn nữa sự đầu tư cho bộ mặt nông thôn vùng khó phát triển bền vững.
Đại tá Hà Huy Hùng-Trưởng phòng Mặt bằng quản lý thi công 2- Ban Quản lý Dự án 46 đường Trường Sơn Đông (Bộ Tổng Tham mưu) cho biết: Được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông-Vận tải con đường chính thức thi công vào năm 2007. Đến nay toàn dự án đã triển khai thi công 55/75 gói thầu, trong đó bàn giao đưa vào sử dụng 33 gói thầu với khoảng 400 km, đa số các gói thầu đều nằm ở các khu vực vùng khó khăn ở các tỉnh Tây Nguyên. Việc thi công đường Trường Sơn Đông rất phức tạp, gói Đ22, xã Gia Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum); gói đường đôi lưỡng dụng (S1) xã Sơn Lang, huyện Kbang (Gia Lai)… Việc vận chuyển nguyên-vật liệu vào thi công khó khăn do 4 phía đều núi cao, vực thẳm. Khí hậu ở Tây Nguyên chỉ có 2 mùa, vì vậy việc thi công gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm của cán bộ, công nhân các công trường và sự giúp đỡ, ủng hộ của các địa phương, đến nay tuyến đường đã thông được khoảng 460 km, thi công được 468,87/616 km chiều dài, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và địa phương đánh giá hiệu quả kép, vừa giúp cho các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, vừa góp phần củng cố quốc phòng-an ninh tại khu vực.
Riêng địa bàn tỉnh Gia Lai, đến thời điển hiện tại, toàn bộ hơn 200 km đường qua Gia Lai đã được giải phóng hoàn toàn, 12/15 gói thầu đã hoàn thành và bàn giao. Hiện nay con đường đã nối thông từ quốc lộ 24 sang huyện Kbang, quốc lộ 19, 25 nối về quốc lộ 26.
Ảnh: N.G |
Nói về con đường chiến lược Trường Sơn Đông, Thiếu tướng Đoàn Kiểu-Phó Tư lệnh Quân khu 5, khẳng định: Khu 5 là địa bàn chiến lược, trong khi đó con đường Trường Sơn Đông đi qua song song với đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1 đồng thời giao cắt với các tuyến quốc lộ khác, tạo nên một thế trận đặc biệt quan trọng trong quốc phòng, xây dựng thế trận phòng thủ chiến lược vững chắc. Khi hoàn thành, đường Trường Sơn Đông sẽ là trục giao thông xuyên suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Con đường giao cắt với nhiều tuyến đường quốc lộ khác trên khu vực Tây Nguyên như quốc lộ 24, 25, quốc lộ 19 nối các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đak Lak đến Lâm Đồng.
Khẩn trương và thông toàn tuyến trong quí II-2015
Đường Trường Sơn Đông là tuyến đường có ý nghĩa chính trị-kinh tế-xã hội quan trọng, con đường này được ví như mạch máu đem lại cuộc sống mới cho hàng triệu hộ dân, trong đó đa phần là người dân tộc thiểu số thuộc các vùng căn cứ cách mạng, vùng còn nhiều khó khăn nơi cung đường huyền thoại Trường Sơn Đông đi qua. Đường Trường Sơn Đông-đã phá vỡ thế “bí” về vấn đề giao thông đi lại, tạo cơ hội giao lưu, mở rộng làm ăn, phát triển kinh tế- xã hội cho cư dân địa phương.
Trước đây, đời sống của người dân hết sức khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản luôn bị ép giá, có khi hàng hóa sản xuất ra đành bỏ cho heo cho bò ăn, đó là chưa kể đến chuyện hư hỏng, mất toàn bộ khi mưa lũ… Đó là chuyện của ngày trước, hôm nay khi con đường thi công, nhiều đoạn đã hoàn thành, bộ mặt nông thôn tận những nơi xa nhất cũng dần đổi thay. Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số từ huyện Kbang đến huyện Krông Pa đã thay đổi rõ rệt. Con đường thông thương, kết nối với các khu vực đã tạo điều kiện cho việc giao thương, dễ dàng trao đổi hàng hóa...
Ảnh: N.G |
Đường Trường Sơn Đông có chiều dài khoảng 700 km, là tuyến giao thông song song với đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A. Dự án này đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ Tổng tham mưu-Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Chủ trương xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông đã được Bộ Chính trị xác định: “Khu vực xây dựng đường Trường Sơn Đông nằm trên vùng cao nguyên rộng lớn kéo dài, có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố an ninh-quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc…”. |
Trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: “Đường Trường Sơn Đông nằm trong quy hoạch chung của phát triển hệ thống đường bộ, trong chiến lược phát triển giao thông vận tải của Việt Nam. Mật độ đường ở khu vực Tây Nguyên còn thấp so với mật độ chung của cả nước, nên việc phát triển đường bộ một tất yếu. Cho nên đường Trường Sơn Đông đã tạo thành một trục dọc, kết nối nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tạo thành một hệ thống giao thông kết nối với mạng lưới hệ thống giao thông của đất nước. Đóng vai trò xen kẹp, kết nối mạng lưới giao thông đường bộ. Có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là mặt quốc phòng”.
Trên tuyến đường kiểm tra tiến độ thi công, dừng chân tại đường đôi, sân bay lưỡng dụng S1 (thuộc địa phận xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai)-nơi tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã đánh giá rất cao những cố gắng của đơn vị thi công, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các hạng mục của dự án, cũng như tạo mọi điều kiện cho công trình sớm hoàn thành đúng tiến độ. Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội động viên đơn vị thi công tiếp tục cố gắng để sớm hoàn thành dự án, đưa tuyến đường vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong toàn tuyến giúp người dân ở những nơi khó khăn phát triển và giàu mạnh phát huy tất cả tiềm lực mà dự án mang lại cho người dân nơi đây.
Ảnh: N.G |
Theo ghi nhận của phóng viên, trên toàn tuyến từ xã Sơn Lang, huyện Kbang đến xã Krông Năng, huyện Krông Pa với chiều dài gần 250 km, trong đó có nhiều khúc đường hiểm trở, núi cao, vực sâu đều được các đơn vị thi công khắc phục khó khăn, tạo ra một tuyến đường thẳng tắp, nhiều cây cầu kiên cố băng ngang, chinh phục những dòng suối lớn, con sông rộng. Dọc hai bên cung đường này nhiều nóc nhà sàn, nhà bê tông kiên cố mọc lên, trải dài là những cánh đồng mía, ruộng lúa xanh rì, hứa hẹn cho một vùng đất phồn vinh trong tương lai.
Nguyễn Giác-Minh Nguyễn