Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), kết quả kiểm tra hàng loạt mẫu thức ăn chăn nuôi bày bán trên thị trường TP.HCM và Đồng Nai vừa qua cho thấy, có khoảng 17% mẫu thức ăn chăn nuôi lợn có chứa chất độc hại Salbutamol. Thậm chí, nhiều mẫu thịt lợn bày bán cũng chứa chất độc bị cấm sử dụng. Tình trạng này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Kẻ giết người” mang tên Salbutamol
Theo ông Nguyễn Nam Vinh, Trưởng đại diện Văn phòng Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam phía Nam cho biết, trước những thông tin gần đây phản ánh nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trộn các chất độc hại thuộc nhóm Beta-agonist, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng thuộc Hội đã tiến hành mua 12 mẫu TĂCN bày bán tại thị trường TP.HCM, Đồng Nai và gửi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật 3. Kết quả cho thấy, trong tổng số 12 mẫu TĂCN này có 2 mẫu (chiếm 17%) có chất độc hại bị cấm triệt để là Salbutamol.
Ông Nguyễn Nam Vinh cũng khuyến cáo: “Do kinh phí và thời gian hạn chế nên Hội mới chỉ tiến hành kiểm tra thử nghiệm trong phạm vi nhỏ. Các cơ quan chức năng nên điều tra thêm về hàm lượng của TĂCN tăng trọng trong thịt lợn và các loại thịt gia súc khác để đánh giá được mức độ nguy hại của nó tới sức khỏe NTD. Tôi cho rằng, TĂCN đã có chất độc hại thì dứt khoát trong thịt bán cho NTD cũng sẽ có. Gần đây, báo chí phát hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng cố tình trộn các chất tăng trọng vào thức ăn cho lợn trước thời kỳ bán thúc. Lợn ăn thức ăn này thịt đỏ tươi hơn, nạc nhiều, tăng trọng nhanh. Điều này chắc chắn sẽ gây hại cho NTD”.
Theo bác sĩ Trần Văn Ký (phụ trách ATVSTP phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam): Salbutamol là chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. Salbutamol là loại thuốc dùng cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn. Nếu sử dụng salbutamol không đúng chỉ định có thể dẫn đến bệnh tim mạch, rối loạn mạch vành, trụy mạch, thậm chí tử vong. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Thí nghiệm trên động vật cho thấy salbutamol có thể gây quái thai. Nếu phụ nữ mang thai hoặc cho con bú mà dùng salbutamol có thể gây độc cho trẻ nhỏ, gây bệnh tim mạch cho trẻ từ trong bào thai. Đối với thai phụ, có thể bị giãn cơ tử cung, ảnh hưởng tới quá trình mang thai và thai nhi...
Vì lợi nhuận, bất chấp quy định của luật pháp
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2010/NĐ-CP về quản lý TĂCN, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh TĂCN. Sau đó, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 54/2010/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Beta-Agonist trong chăn nuôi, thế nhưng việc thực thi nghị định và thông tư trên còn rất hạn chế. Thực tế, người chăn nuôi vẫn mua và dùng các loại TĂCN có chứa chất kích thích, tăng trọng.
Chính việc quản lý lỏng lẻo cộng với chế tài vừa thiếu, vừa yếu khiến tình trạng sử dụng chất cấm trộn lẫn trong TĂCN gia tăng mạnh trong thời gian qua. Bởi nếu có bị phát hiện, cùng lắm DN chỉ bị phạt vài chục triệu đồng, hoặc bị đình chỉ kinh doanh chứ chưa có trường hợp nào bị khởi tố hình sự. Không ít DN, ngay sau khi bị phát hiện, họ đổi tên và tiếp tục kinh doanh dưới một vỏ bọc khác rồi lại tái phạm, bất chấp mối đe dọa tới sức khỏe của hàng triệu NTD khi ăn phải thịt gia súc, gia cầm có chứa chất độc hại.
Trong năm 2010, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Đất Quảng (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) có cung cấp cho các hộ dân nuôi lợn trong vùng loại thức ăn “Tăng tốc, bung đùi, nở mông, nở vai” của Công ty này. Người chăn nuôi sau khi cho lợn ăn loại thức ăn này thấy nhiều biểu hiện lạ như lợn “bung” đùi nhanh, vai nở, mông nở bất thường; khi ngủ lợn ngáy to một cách lạ thường. Nghi ngờ có hormone tăng trưởng, một số hộ đem sản phẩm của Công ty lên Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y 2 kiểm tra thì phát hiện loại thức ăn này chứa chất cấm Salbutamol. Tuy nhiên, thay vì có hình thức xử lý đích đáng như khởi tố hình sự nhằm răn đe các DN khác, thì Công ty này chỉ bị đình chỉ sản xuất và phạt hành chính 19,5 triệu đồng.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho rằng, cần xử lý mạnh tay đối với các DN sai phạm. Trường hợp nhẹ thì xử phạt, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; nặng, tái phạm nhiều lần thì đình chỉ sản xuất, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự.
Theo TTXVN