Thời sự - Sự kiện

Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 27-2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển” diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Văn kiện mang tầm vóc thời đại

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hội thảo là hoạt động ý nghĩa để tôn vinh và nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc; góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định: “Với ý thức trách nhiệm cao và niềm tin chắc chắn vào thành công của sự nghiệp chấn hưng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tin tưởng rằng các nhà khoa học, các đại biểu sẽ có những tham luận, thảo luận làm sâu sắc hơn, lan tỏa và phát huy giá trị của một văn kiện mang tầm cương lĩnh của Đảng về văn hóa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước…”.

Đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tham dự hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn (Báo Nhân Dân)

Tiếp đó, hội thảo diễn ra với 1 phiên chuyên đề để các đại biểu trình bày tham luận và 1 phiên thảo luận bàn tròn. Phiên thứ nhất có chủ đề “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam”; phiên thứ hai có chủ đề “Văn hóa, con người Việt Nam dựa trên nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”. Hội thảo đã khẳng định những giá trị cốt lõi của một văn kiện có ý nghĩa lịch sử như Đề cương về văn hóa Việt Nam; nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở này, hội thảo đã cung cấp cho các nhà quản lý, nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương trong 80 năm qua. Ngoài ra, tại hội thảo, các tác giả tham luận cũng đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Động lực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Là 1 trong 10 đại biểu đại diện đội ngũ trí thức tỉnh nhà tham dự hội thảo từ điểm cầu Gia Lai, Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-chia sẻ: “Ra đời trong hoàn cảnh cả đất nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã nhanh chóng thu hút tầng lớp trí thức của Việt Nam khi đó tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng. Có thể nói, Đề cương là hạt nhân, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình xây dựng nền văn hóa đất nước. Đến nay, Đề cương vẫn khẳng định giá trị lịch sử trường tồn, là điểm tựa để chúng ta gìn giữ bản sắc văn hóa trong xu hướng hội nhập quốc tế, “hòa nhập nhưng không hòa tan” trên nền tảng 3 quan điểm cơ bản: dân tộc, khoa học, đại chúng. Với Gia Lai cũng vậy, đây sẽ là động lực to lớn nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc”.

Chăm chú theo dõi nội dung hội thảo, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quang Tâm nêu quan điểm: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển” là minh chứng cho thấy Đảng và Nhà nước quan tâm rất lớn đến phát triển văn hóa, đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị. Điều này mang lại niềm tin đối với văn nghệ sĩ vào sự đổi mới mạnh mẽ của các chính sách văn hóa trong thời gian tới. “Điều tôi mong mỏi là đưa văn hóa về cơ sở, quan tâm phát triển văn hóa, văn nghệ ở vùng sâu vùng xa. Bởi văn hóa cơ sở có mạnh thì mới tạo dựng được nền tảng vững chắc, lâu dài trong phát triển sự nghiệp văn hóa dân tộc”-Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quang Tâm bày tỏ.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên

Trao đổi với P.V, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-khẳng định: Văn hóa luôn được ví là hồn cốt dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Có thể xem hội thảo lần này như lời “hiệu triệu” các tầng lớp nhân dân chung tay hưởng ứng để phát triển văn hóa dân tộc. Tại Gia Lai, nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, UBND tỉnh cũng vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Riêng với Hội Văn học Nghệ thuật, UBND tỉnh đề nghị phát động hội viên tăng cường sáng tác những tác phẩm hướng đến kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong đó nêu bật đặc trưng văn hóa tỉnh nhà.

“Trên cơ sở này, đầu tháng 3-2023, Hội sẽ tổ chức chuyến thực tế tại huyện Krông Pa với sự tham gia của 15 hội viên; tiếp đó kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023) và triển lãm một số tác phẩm đặc sắc của hội viên. Đồng thời, Hội cũng sẽ phát động hội viên sáng tác hướng đến kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, qua đó khẳng định sự tiếp nối, đồng hành và phát triển của văn hóa Gia Lai cùng với văn hóa dân tộc”-Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng thông tin.

Có thể bạn quan tâm