Chính trị

Tin tức

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 18-1-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 12-TT/TU nhằm hướng dẫn việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Thông tri nói trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

 

Đúng là như vậy! Chúng ta đang sống trong một chế độ tự do dân chủ và sự tự do dân chủ của mỗi chúng ta được điều chỉnh bởi pháp luật và vì thế mọi người có quyền, được quyền tham gia xây dựng pháp luật khi mà Nhà nước có yêu cầu. Lần sửa đổi Hiến pháp này có ý nghĩa thật trọng đại, được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân với một thời gian nhất định, và đặc biệt Hiến pháp năm 1992 sau 20 năm thi hành đã được tổng kết, đánh giá, ghi nhận những thành tựu nổi bật, những hạn chế, bất cập và nhận rõ nguyên nhân của thành tựu và hạn chế bất cập đó.

Qua đấy, một lần nữa Đảng ta đã khẳng định những giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của Hiến pháp năm 1992-Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị-pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta trong thời kỳ mới. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là bước phát triển nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước ta, đóng góp hết sức quan trọng, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới của đất nước ta.

Sau 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, nhiều vấn đề thực tiễn khách quan đã được đặt ra, có những nội dung quy định đã không còn phù hợp, đòi hỏi cần phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung. Đó là quan điểm của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); vì vậy cho nên Đảng và Nhà nước chủ trương động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, ý thức công dân, tích cực tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, để Hiến pháp thực sự là kết tinh ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Sự tham gia đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Hiến pháp, một lần nữa cần khẳng định là đảm bảo việc thể hiện đáp ứng yêu cầu có tính nguyên tắc là thể chế hóa tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Đảng về chính trị, kinh tế…

Đồng thời, khẳng định và làm rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Theo yêu cầu của Tỉnh ủy, việc tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng phải đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền trong tỉnh và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đồng thời, quá trình tổ chức lấy ý kiến cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, việc tổ chức lấy ý kiến cũng cần được tổ chức với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi ngành trên tất cả các lĩnh vực được tham gia ý kiến, bày tỏ tâm tư nguyện vọng chính đáng của mình trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này, nhưng việc tham gia ấy cũng phải đảm bảo dân chủ, công khai, khoa học, hướng đến chất lượng, thiết thực, cụ thể.

Như đã khẳng định, lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện tính tự do, dân chủ, cầu thị và công khai minh bạch nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng đợt sinh hoạt chính trị lần này sẽ mang lại kết quả như mong muốn!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm