(GLO)- L.T.S: Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Gia Lai lần thứ IV (nhiệm kỳ 2012-2017), P.V Gia Lai online có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Từ Hương-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai về hoạt động của Giáo hội.
- P.V: Xin Hòa thượng cho biết ý nghĩa của Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Gia Lai lần thứ IV?
Ảnh: Thanh Nhật |
Hòa thượng THÍCH TỪ HƯƠNG: Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước đang trên đà đổi mới, phát triển và hội nhập toàn diện với thế giới vì sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Chính trong vận hội này đã tạo cơ duyên cho Phật giáo cả nước nói chung, Phật giáo Gia Lai nói riêng ổn định và phát triển bền vững trong lòng dân tộc, để tiếp tục phát huy bề dày lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Căn cứ Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và kế hoạch của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội, các địa phương trong cả nước đã tiến hành đại hội đại biểu Phật giáo các cấp nhiệm kỳ 2012-2017.
Riêng tại Gia Lai, đồng thời với việc chỉ đạo hoàn thành đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện, Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai đã tập trung chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ IV, để tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào cuối năm nay. Đây là một hoạt động Phật sự trọng yếu nhằm tổng kết, đánh giá khách quan và toàn diện những thành tựu, cùng những hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết và Chương trình hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ III (2007-2012) vừa qua, đồng thời qua đó đề ra phương hướng hoạt động và suy tôn Ban Chứng minh, suy cử Ban Trị sự nhiệm kỳ IV (2012-2017), để cùng với Phật giáo cả nước củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng các hoạt động Phật sự đảm bảo sự đoàn kết và hòa hợp, đúng Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước, là nhân tố bảo đảm cho thành tựu mọi Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm tới…
- P.V: Hòa thượng có nhận xét gì về hoạt động Phật giáo tại tỉnh nhà?
Chức sắc Phật giáo thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Thanh Nhật |
Hòa thượng THÍCH TỪ HƯƠNG: Toàn tỉnh hiện có 80 chùa, tịnh thất, tịnh xá và niệm phật đường (so với nhiệm kỳ trước tăng thêm 11 cơ sở), cùng hơn 400 vị chức sắc, tăng ni. Trong đó học vị, đến nay toàn tỉnh có 5 tiến sĩ Phật học, 3 thạc sĩ và hàng chục cử nhân Phật học, đây là nguồn tăng tài của Giáo hội có khả năng kế thế đảm trách công tác của Giáo hội tại địa phương trong tương lai. Những năm qua, tăng ni và phật tử trong toàn tỉnh rất phấn khởi vì hoạt động tôn giáo nói chung, cũng như Phật giáo nói riêng đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của lãnh đạo địa phương, thể hiện chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng.
Ông Dương Tráng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ: Suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Gia Lai lần thứ IV, thay mặt Sở Nội vụ-cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo, tôi mong rằng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai nhiệm kỳ 2012-2017 sẽ phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục khẳng định vai trò trong việc đoàn kết tập hợp tăng ni và phật tử phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tiếp tục tăng cường sự gắn bó mật thiết với chính quyền, cơ quan ban ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, đồng thời góp phần cùng với chính quyền đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… |
Những năm qua, đồng bào Phật giáo tại Gia Lai đã thực hiện có hiệu quả phương châm “Tốt đời-Đẹp đạo”, góp phần vào sự đổi thay chung của kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Bà con phật tử đã phát huy văn hóa và đạo đức Phật giáo vào trong đời sống, gương mẫu giáo dục con cái trưởng thành, xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và tôn giáo, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật và đoàn kết gắn bó trong cộng đồng xã hội…
Ngoài ra, đồng bào Phật giáo còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, hưởng ứng phong trào giúp đỡ hộ nghèo, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tổ chức các hoạt động cứu trợ thiên tai bão lụt, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người neo đơn, tàn tật, trẻ mồ côi… bằng tiền mặt và tặng phẩm trị giá mỗi năm từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, góp phần vào công tác đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương…
- P.V: Hòa thượng có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Trị sự quan tâm nhất trong nhiệm kỳ tới?
Hòa thượng THÍCH TỪ HƯƠNG: Ban Trị sự sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn thể tăng ni và phật tử thực hiện tốt phương châm chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”. Tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa và đạo đức, bản chất từ bi và trí tuệ của đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày, sống ích đạo lợi đời để đem lại sự an lạc, giải thoát cho chính mình đồng thời mang lại niềm an vui cho cộng đồng xã hội. Phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo Việt Nam, làm tròn nghĩa vụ của người công dân với Tổ quốc, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” mà Hiến chương của Giáo hội đã đề ra, thực hiện phong trào học tập và rèn luyện đạo đức Phật giáo theo tiêu chí “Cuộc sống chơn thiện-Dấn thân phục vụ-Xây dựng xã hội tốt đẹp trong thời kỳ hội nhập và phát triển” do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương và Giáo hội ngày càng vững mạnh…
Kính chúc toàn thể quý vị và tăng ni, phật tử sức khỏe, thân tâm thường an lạc.
- P.V: Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng!
Thanh Nhật (thực hiện)