(GLO)- Kết thúc nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh Gia Lai khóa X đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của cử tri. Đặc biệt, việc giám sát của các Ban HĐND tỉnh, cũng như các đại biểu đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm. Bên lề kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa X, P.V Báo Gia Lai đã trao đổi nhanh với một số đại biểu xung quanh nội dung này.
Đại biểu Lương Thanh Đức-Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh:
Nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức 12 cuộc họp để thẩm tra báo cáo và dự thảo nghị quyết, các tờ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa X, trong đó thẩm tra 36 báo cáo của UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; 25 dự thảo nghị quyết, tờ trình do UBND tỉnh trình tại các kỳ họp. Trong quá trình thẩm tra, Ban đã đổi mới phương pháp, góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, đồng thời yêu cầu các cơ quan ban hành văn bản giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu và thành viên của Ban quan tâm. Bên cạnh đó, Ban đã chủ động thực hiện 13 đợt giám sát, tập trung vào một số vấn đề mà cử tri quan tâm, như: giám sát tình hình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tình hình hoạt động của Tòa án và Viện Kiểm sát; tình hình thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; việc thực hiện pháp lệnh về bán đấu giá tài sản; chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam… Ngoài ra, trong nhiệm kỳ, Ban cũng đã tiếp nhận 415 đơn thư, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách và thực hiện phân loại, xử lý, chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Qua công tác giám sát, Ban cũng kịp thời chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, vướng mắc và những phát sinh trong quá trình thực hiện. Cụ thể, Ban đã có hơn 23 kiến nghị với Trung ương và 78 kiến nghị với địa phương kịp thời có biện pháp khắc phục và tháo gỡ.
Đại biểu Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh:
Trong nhiệm kỳ, ngoài việc thẩm tra các báo cáo 6 tháng, một năm của UBND tỉnh về lĩnh vực văn hóa-xã hội trình HĐND tỉnh, Ban đã thẩm tra 17 tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp liên quan đến văn hóa-xã hội; thẩm tra 5 tờ trình phát sinh giữa 2 kỳ họp. Các ý kiến thẩm tra của Ban đều là nội dung đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tế địa phương, là cơ sở để HĐND tỉnh thảo luận và quyết định.
Bên cạnh đó, Ban đã tổ chức 23 đợt giám sát và khảo sát, qua đó đã có 388 kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Các kiến nghị của Ban cơ bản được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm giải quyết theo thẩm quyền. Ngoài ra, lãnh đạo Ban còn tham gia 4 đoàn giám sát của Thường trực HĐND, 3 đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Hoạt động giám sát của Ban cơ bản có hiệu quả, được dư luận đồng tình. Nội dung giám sát, kiểm sát của Ban đều là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và được dư luận xã hội quan tâm. Qua hoạt động giám sát, thẩm tra luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cá nhân, phát huy dân chủ và trí tuệ của tập thể, thể hiện tính phản biện, chính kiến rõ ràng của Ban đối với từng vấn đề, có tính thuyết phục, đảm bảo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, song Ban chưa có thời gian, nhân lực và điều kiện để giám sát. Hoạt động giám sát của Ban còn chưa sâu, một số cuộc giám sát chưa được đánh giá một cách toàn diện; có kiến nghị xác đáng và đúng song chưa được các cấp, các ngành nghiêm túc giải quyết…
Đại biểu Phạm Vũ Tú:
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Chư Prông có 6 vị, trong đó có 3 vị là thành viên các Ban của HĐND tỉnh. Các đại biểu đã tích cực tham gia các chương trình giám sát của HĐND và kế hoạch giám sát của các Ban HĐND. Hàng năm, tổ có 3-4 cuộc giám sát trên địa bàn huyện liên quan đến nhiều lĩnh vực và kết quả từ những cuộc giám sát đã giúp chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
Theo tôi, nhiệm kỳ tới, Thường trực HĐND cũng như các ban và các đại biểu cần tăng cường, đa dạng công tác giám sát. Khi ban hành nghị quyết về công tác giám sát, nên lấy ý kiến các tổ trước khi đưa ra dự thảo để các tổ đề xuất nội dung và lĩnh vực giám sát. Hơn nữa, sau giám sát nên tiến hành giám sát trở lại để xem xét việc thực hiện của các cơ quan được giám sát đến đâu; việc giám sát cần thực hiện thông qua thảo luận tại tổ, qua việc chất vấn các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan tại các kỳ họp.
Vĩnh Hoàng-Anh Huy (thực hiện)