Kinh tế

Phát triển cây cao su trên đất Chùa Tháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 2 năm xây dựng, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang vừa phối hợp với Công ty Cao su Hoàng Anh Mang Yang K tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Oyadav-Campuchia vào ngày 23-12-2014. Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng khôi phục và phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia Yim Chhay ly; đại diện một số bộ ngành, tỉnh Rattanakiri, Đại sứ quán Viêt Nam tại Campuchia, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Viêt Nam Huỳnh Trung Trực cùng nhiều đại biểu có mặt chung vui nhân sự kiện này.

Bước phát triển mới

Nhà máy chế biến mủ cao su Oyadav được khởi công xây dựng vào tháng 5-2012, công suất 5 ngàn tấn/năm với 2 dây chuyền sản xuất cùng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại; tổng kinh phí đầu tư xây dựng 6 triệu USD. Đến năm 2016, vườn cây của Công ty Cao su Hoàng Anh Mang Yang K (Công ty) mới đi vào khai thác nhưng từ bây giờ, nhà máy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu mua, chế biến mủ cao su của các công ty và hộ sản xuất trên địa bàn, giúp tiết giảm chi phí sản xuất. Theo ông Lê Đình Bửu-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, tại tỉnh Rattanakiri, ngoài diện tích cao su của Công ty, 3 công ty khác trên địa bàn cũng đã trồng được gần 12 ngàn ha, cùng với 30 ngàn ha khác của dân. Sản lượng mủ khi đưa vào khai thác khoảng 100 ngàn tấn mủ nguyên liệu, trong khi các nhà máy hiện có công suất nhỏ, không đáp ứng nhu cầu chế biến trên địa bàn và phục vụ xuất khẩu.

 

Ảnh: Thất Sơn

Sau khi tham dự lễ cắt băng khánh thành và tham quan nhà máy một lượt, phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly nhấn mạnh, lễ khánh thành Nhà máy chế biến mủ cao su Oyadav là niềm vinh dự lớn cho chính sách phát triển cây cao su của Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Kinh tế Campuchia còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp nên muốn phát triển phải chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp trong đó có cây cao su theo hướng bền vững, phát triển cao su đại điền với tiểu điền, giải quyết nhiều việc làm, song song với phát triển lúa gạo. Định hướng của Chính phủ Campuchia trong thời gian tới là phát triển diện tích cao su gắn với nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, khép kín quy trình từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Vì vậy, Phó Thủ tướng Yim Chhay Ly đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Viêt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở Campuchia, các bộ ngành, chính quyền địa phương nước sở tại nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất cây giống, củng cố mở rộng thị trường; tìm kiếm cung cấp nguồn điện giá rẻ, cạnh tranh cho nhà máy chế biến mủ; xây dựng chính sách hải quan, thuế thuận lợi để đẩy mạnh tiêu thụ; xây dựng thương hiệu cao su chất lượng cao; Chính phủ Campuchia sẽ đóng vai trò quan trọng kết nối với các ngân hàng trong việc cung ứng vốn với lãi suất phù hợp; phối hợp tạo điều kiện để  phát triển cao su theo hướng bền vững.

Chiến lược trồng 100 ngàn ha cao su trên đất Campuchia

Thực hiện nội dung ký kết giữa chính phủ 2 nước Việt Nam-Campuchia, từ năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Viêt Nam triển khai trồng cao su tại Campuchia và đến nay 15 công ty thành viên của Tập đoàn đã trồng trên 90 ngàn ha với tổng giá trị 600 triệu USD và phấn đấu đến năm 2015 trồng đạt 100 ngàn ha. Ông Huỳnh Trung Trực-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Viêt Nam cho biết: Tập đoàn cũng đã triển khai xây dựng các nhà máy chế biến mủ cao su (Đầu năm 2015, một nhà máy khác cũng sẽ khánh thành đưa vào hoạt động tại tỉnh Kampong Thom) cũng như xây dựng chiến lược giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Trong chương trình đầu tư, Tập đoàn dành khoản kinh phí tương đương 30 triệu USD để đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội vùng dự án, đóng góp vào các chương trình phúc lợi xã hội với tổng kinh phí trên 2 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 20 ngàn lao động người địa phương.

Lĩnh ấn tiên phong, từ năm 2009, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang bắt tay triển khai đầu tư trồng cao su tại địa bàn 2 huyện Van Xay và Lum Phát (tỉnh Rattanakiri). Diện tích cây cao su của Công ty không ngừng mở rộng, sinh trưởng và phát triển tốt. Vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay hoạt động của Công ty đã ổn định, diện tích cao su phát triển gần 7 ngàn ha và đến chu kỳ vào năm 2016 sẽ có khoảng 1.000 ha sẽ được đưa vào khai thác, tuần tự các năm sau diện tích khai thác là 2.000 ha, rồi 3.000 ha… Công ty đã thu nhận gần 2 ngàn lao động địa phương vào làm việc tại các bộ phận với mức lương tối thiểu 120 USD/người/tháng, xây dựng hơn 400 căn nhà cho công nhân (42 m2/nhà) cùng với hệ thống giếng nước, điện thắp sáng, đường sá đi lại, trung tâm y tế, cơ sở thờ tự, trường học… Ngoài đầu tư khép kín cơ sở hạ tầng trong vùng dự án, hàng năm công ty còn hỗ trợ địa phương khoảng 2 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.

Nhân dân sở tại và công nhân rất phấn khởi trước những việc làm trách nhiệm và nghĩa tình đó, chính quyền địa phương Rattanakiri cam kết tạo điều kiện thuận lợi để Công ty hoạt động. Và trên hết như phát biểu của Phó Thủ tướng Yim Chhay Ly, thành công của Công ty Cao su Hoàng Anh Mang Yang K là minh chứng tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị và tình đoàn kết tốt đẹp Việt Nam-Campuchia.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm