Dù mới giai đoạn đầu nhưng hàng triệu người, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang hoặc các đối tượng chính sách, đã khấp khởi hy vọng về một chốn an cư. Bởi về bản chất, Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ do nhà nước thành lập nhằm hỗ trợ nhà ở cho người dân thông qua các gói vay mua nhà ưu đãi, lãi suất thấp, trợ cấp...
Thế nhưng trong Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Bộ Xây dựng đề xuất thành lập "Quỹ phát triển NƠXH quốc gia". Đề xuất này phải chăng chỉ có đối tượng được mua NƠXH mới được hưởng các chính sách hỗ trợ từ quỹ này; cũng đồng nghĩa là sẽ có một Quỹ phát triển nhà ở quốc gia riêng? Bởi nếu "gom" chung thì rõ ràng đối tượng thụ hưởng của Quỹ phát triển NƠXH quốc gia sẽ hẹp hơn nhiều so với Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Trong khi không chỉ NƠXH mà phân khúc nhà ở giá bình dân đã biến mất từ nhiều năm nay.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, tốc độ "biến mất" của nhà phân khúc bình dân ngày càng nhanh. Đến năm 2024 thậm chí không còn một dự án nào, nhường toàn bộ cho căn hộ cao cấp, nhà hạng sang. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, gọi tình trạng này là "kim tự tháp ngược" và đã nhiều lần kiến nghị các giải pháp để đưa căn hộ phân khúc trung bình và giá rẻ trở lại thị trường, nhưng chưa có kết quả. Vì thế, gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm về thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia đã nhen lên hy vọng tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn cho rất nhiều người, nhất là nhóm đối tượng đang "lơ lửng" không thuộc diện được mua NƠXH và càng không thể với được lên phân khúc cao hơn.
Cũng vì thế, trong một góp ý mới đây, HoREA đề xuất đổi tên gọi Quỹ phát triển NƠXH quốc gia thành Quỹ phát triển nhà ở quốc gia để mở rộng không gian hoạt động của quỹ. Ban đầu, có thể tập trung cho phân khúc NƠXH rồi dần dần mở rộng sang các phân khúc nhà giá rẻ khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đề xuất này là hợp lý, vừa đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, đáp ứng được sự thiếu hụt của thị trường, sự chờ đợi của hàng triệu người nghèo đô thị; vừa đỡ phân mảnh ra quá nhiều loại quỹ đặc thù.
Thực tế hiện chúng ta cũng có khá nhiều gói ưu đãi, hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau, mỗi giai đoạn khác nhau nhưng thường bị xé lẻ, cắt khúc và chưa hiệu quả. Quan trọng hơn, không chỉ "mở" về đối tượng, tên gọi Quỹ phát triển nhà ở quốc gia cũng mở luôn cả về các nguồn huy động vốn thay vì gói gọn vốn từ ngân sách, giúp quỹ hoạt động hiệu quả, bền vững và từ đó góp phần đưa nhà giá rẻ trở lại thị trường.
Mô hình quỹ phát triển nhà ở quốc gia đã được nhiều nước (với tên gọi khác nhau) thực hiện rất thành công. Tại VN có thể nói đây là thời điểm chín muồi để thực hiện việc này, tạo lập chỗ an cư cho người dân trong kỷ nguyên mới, đúng với quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển mình của đất nước.
Theo Nguyên Minh (TNO)