Kinh tế

Phía sau những dự án chuyển rừng trồng cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đất rừng đã chuyển đổi nhưng hàng chục tỷ đồng tiền mua bán gỗ tận thu của các doanh nghiệp vẫn chây ì không nộp; nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết tuyển công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân mà còn chuyển giao vườn cao su cho doanh nghiệp khác với danh nghĩa “liên kết đầu tư”…

Dư luận Phố núi gần đây râm ran chuyện Công ty TNHH 30-4 Gia Lai đã “bán” hết vườn cao su cho một doanh nghiệp tư nhân khác. Có người cho rằng, doanh nghiệp tư nhân họ muốn bán vườn cao su cho người khác là chuyện bình thường. Nhưng có người bức xúc, vì dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su ở Tây Nguyên được Chính phủ chủ trương phải giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo ưu tiên cho người dân tộc thiểu số tại chỗ chứ không phải mua đi bán lại trục lợi…

 

 

Trước khi lập dự án, giao đất chuyển rừng, các doanh nghiệp cũng đã cam kết phải thực hiện đầy đủ các quy định về triển khai dự án, ưu tiên tuyển người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân để xóa đói giảm nghèo…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sinh- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 30-4 Gia Lai cho biết, doanh nghiệp không bán vườn cao su mà chỉ chuyển giao theo kiểu “góp vốn liên doanh”. Cụ thể là toàn bộ diện tích vườn cao su, nhà đất được UBND tỉnh Gia Lai quyết định giao đất cho Công ty TNHH 30-4, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại các dự án trồng cao su xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) 849 ha; dự án trồng cao su tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông) 1.234,4 ha, với tổng giá trị 92,4 tỷ đồng được doanh nghiệp góp vốn liên kết với Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Quang Đức.

Theo hợp đồng góp vốn giữa 2 công ty, từ tháng 9-2012, Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Quang Đức là chủ đầu tư mới của các dự án cao su do Công ty TNHH 30-4 giao và toàn quyền quản lý, sử dụng, đăng ký, điều chỉnh, thay đổi chủ đầu tư dự án… Cũng theo ông Nguyễn Sinh, việc chuyển giao toàn bộ các dự án cao su này là do doanh nghiệp khó khăn về vốn để tiếp tục đầu tư…

Bên cạnh việc chuyển dự án theo kiểu liên kết góp vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su ở Tây Nguyên không thực hiện đúng cam kết như ban đầu. Cụ thể, việc tuyển công nhân người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm ở các doanh nghiệp rất ít. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai, 12 doanh nghiệp tư nhân có dự án cao su chỉ tuyển 85 người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân, trong khi đó số lao động cần tuyển theo định mức 5 ha/công nhân là trên 2.900 người…

Tại nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng chỉ đạo ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có dự án trồng cao su phải nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân cao su để xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phối hợp rà soát danh sách người dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn có nhu cầu làm công nhân cao su và đề nghị đăng ký giới thiệu cho các doanh nghiệp sử dụng. Trường hợp ngay tại địa bàn không có người dân tộc thiểu số tại chỗ mới được tiếp nhận đồng bào ở địa bàn khác.

Trong trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về đầu tư phát triển dự án cao su, xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số tại chỗ thì cần thiết phải thu hồi dự án… nhưng thực tế đến nay, bài toán giải quyết người lao động dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân cao su ở các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có lời giải. Vì theo một số doanh nghiệp thì người dân tộc thiểu số không muốn vào làm công nhân.

Bên cạnh đó, mặc dù gỗ rừng tự nhiên trong các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai đã diễn ra từ năm 2008 đến nay nhưng hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chây ỳ không chịu trả tiền mua gỗ cho tỉnh. Theo thống kê của Sở Tài chính, tổng số tiền nợ của các doanh nghiệp mua gỗ còn nợ ngân sách nhà nước trên 9,1 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ rừng tiến hành các biện pháp đòi nợ, kiện ra tòa để buộc các doanh nghiệp trả nợ.

Đi giữa rừng cao su, cà phê… chúng ta cảm thấy mừng vì Tây Nguyên hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Kinh tế phát triển, bao khó khăn đói khát không còn hiện hữu nhiều như ngày xưa nhưng phía sau màu xanh ấy vẫn còn nhiều nỗi lo khó tả.

Ngọc Như

Có thể bạn quan tâm