(GLO)- Sáng 25-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị khóa X về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 290, nhận thức của cả hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới được nâng lên. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể phát huy vai trò nòng cốt thực hiện hiệu quả công tác dân vận gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: M.N |
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa việc triển khai thực hiện công tác dân vận. Từ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận được nâng lên. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đều phân công cán bộ phụ trách công tác dân vận. Nội dung và nhiệm vụ công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị được xác định rõ gắn với nhiệm vụ chính trị, thể hiện bằng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể.
Theo Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, công tác dân vận được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của quân đội. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt tất cả cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong công tác dân vận, đặc biệt là tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã trực tiếp tham gia sửa chữa và làm mới 68 km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét 47 km kênh mương thủy lợi; giúp dân thu hoạch trên 1.640 ha hoa màu; trồng rừng, khai hoang phục hóa 48 ha; xây dựng 40 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, xóa trên 200 nhà tạm cho hộ nghèo; giúp 70 hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.N |
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ayun Pa Ksor Vinh khẳng định, công tác dân vận chính quyền và lực lượng vũ trang trên địa bàn những năm qua có sự chuyển biến tích cực. Công tác tiếp và đối thoại với người dân để giải quyết những kiến nghị, bức xúc được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, thị xã đã tiếp 454 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; qua đó đã tiếp nhận và giải quyết 166 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” không ngừng được nâng cao. Nhờ đó, từ vị trí cuối bảng, Ayun Pa đã vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh về chỉ số cải cách hành chính cấp huyện và là địa phương duy nhất được xếp loại tốt. Chỉ số năng lực cạnh tranh của thị xã cũng đứng thứ 3 toàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 290, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã gắn công tác dân vận với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ngoài củng cố, kiện toàn năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro còn chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro Võ Nguyên Nam: 10 năm qua, địa phương đã xây dựng được 42 mô hình “Dân vận khéo”, nhân rộng lên thành 576 mô hình và đã chọn được 54 gương điển hình cá nhân làm dân vận khéo; vận động quyên góp Quỹ “Vì người nghèo”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Mái ấm Công đoàn” được hơn 1,1 tỷ đồng; xây dựng 133 căn nhà “Đại đoàn kết”, 36 nhà an sinh xã hội, 16 nhà “Mái ấm Công đoàn” với tổng kinh phí khoảng 6,6 tỷ đồng. “Những kết quả quan trọng trong công tác dân vận đã góp phần giúp kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng được tăng cường”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro cho biết.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận
Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng khẳng định: Công tác dân vận khối chính quyền được quan tâm, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề khó khăn, bức xúc nảy sinh. Các đơn vị lực lượng vũ trang đã triển khai nhiều nội dung, hình thức dân vận phù hợp, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh.
Các lực lượng tham gia di dời nhà rông ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Pah). Ảnh: PHƯƠNG DUNG |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Các cấp ủy cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa bàn. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý cấp ủy, chính quyền địa phương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế dân vận phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng chung chung, rập khuôn; phân công trách nhiệm cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động dân vận, hướng về cơ sở theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Trong đó, công tác dân vận phải đóng vai trò nòng cốt, chủ động nắm tình hình nhân dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là thời điểm trước, trong và sau đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm đổi mới, nội dung phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận, nâng cao hiệu quả hoạt động. Chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác dân vận, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đặc biệt, cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 43 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến năm 2020. |
MINH NGUYỄN