Báo xuân

Phồn thực Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, phồn thực trở thành biểu tượng văn hóa thể hiện ước vọng của con người cho đời sống mình và vạn vật xung quanh luôn có sự sinh sôi, nảy nở. Biểu tượng phồn thực được thể hiện cô đọng, điển hình trong nghệ thuật điêu khắc, trang trí. Nó vừa thỏa mãn tâm linh, niềm tin của con người vào thế giới siêu nhiên vừa mang lại giá trị thẩm mỹ, điểm tô nét đẹp cho đời sống.

Trong nghệ thuật trang trí của các dân tộc Tây Nguyên, hình tượng người giã gạo và chiếc cối khá tiêu biểu, người Bahnar gọi là t’pal peh ba, nét tạo hình là có thân lõm ở giữa, loe ở hai đầu... gợi tưởng đến cái eo lưng của người phụ nữ. Biểu tượng cối giã gạo, eo lưng và cách giã gạo chày đôi, chày ba, nhịp điệu diễn ra thường ngày cũng gợi tưởng đến biểu tượng người dùng chày đánh trống trên trống đồng của cư dân Đông Sơn thuở trước.

 

Tượng gỗ Tây Nguyên phản ánh nhiều đề tài, trong đó hình ảnh của người phụ nữ thường đậm đặc nhất. Trước tiên, ta có thể thấy loại hình biểu trưng của sinh tồn và phồn thực liên quan đến giới tính, nữ giới: phụ nữ mang bầu, cho con bú, các tượng đặc tả bầu vú, đề tài lao động sản xuất như làm nương, giã gạo. Trong tượng gỗ Tây Nguyên ta còn thấy hình ảnh khoe sinh thực khí của nam, có ý nghĩa tính giao, mang biểu tượng phồn thực rõ nét.

Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Cơ Tu, những hoa văn, hình vẽ, tác phẩm phù điêu, khắc chạm nói về đề tài giã gạo, chày cối cũng trở nên khá phổ biến. Trên cây nêu (sinuar) và cột cái nhà gươl (r’mâng) ta luôn bắt gặp hình tượng chiếc cối gạo và nồi đất, nồi đồng tượng trưng cho hồn lúa (yang haroo), người mẹ, nguồn sống. Hoa văn chày (chapan), cối (tơpal) khá phổ biến trên trang phục Cơ Tu, nhất là trên váy nữ. Hoa văn chày, cối trên trang phục, cột lễ Cơ Tu là điểm nhấn miêu tả bộ ngực căng phồng đầy sức sống hay cái eo hông nhỏ thon đầy nữ tính, một phần cơ thể người phụ nữ. Cùng với hoa văn ya yá, hoa văn chày cối tượng trưng cho hình ảnh phụ nữ, người mẹ.

Theo quy luật tự nhiên, sinh vật, vũ trụ tồn tại nhờ kết hợp giữa các cặp âm dương, trống mái, nước lửa... Theo đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng chày cối chính là hình ảnh của nguyên lý âm dương: chày (+), cối (-), biểu trưng của sinh tồn, sinh nở.

 

Nồi đồng dùng để nấu thức ăn trong lễ hội. Ảnh: T.V
Nồi đồng dùng để nấu thức ăn trong lễ hội. Ảnh: T.V

Cùng với hoa văn ya yá, hoa văn cái cối tượng trưng cho hình ảnh phụ nữ, người mẹ, biểu tượng của sự phồn thực, sinh sôi nảy nở, liên quan đến giới tính, nữ giới. Cũng đồng dạng với mô típ này, các hình tượng cối, nồi đồng, bầu vú mẹ trong nghệ thuật điêu khắc ở các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như Ê Đê, Jrai là “biểu tượng của lao động nữ, biểu tượng của xã hội trọng nữ, của chế độ gia đình mẫu hệ, của quan hệ mẫu quyền”.

Cây là một trong những biểu tượng phổ biến và phong phú nhất của văn hóa loài người. “Sự sinh nôi nảy nở của cây, màu xanh của lá, hương thơm vị ngọt của hoa trái đưa cây trở thành một biểu tượng của người mẹ mắn con, của sức sống và sự phồn thực”. Trên trang phục cũng như các công trình kiến trúc, hoa văn về hoa lá, thực vật chiếm vị trí đáng kể, như lá hla atut, hoa pô pơlơm, cây tarâm... Những loại hoa lá được trang trí trên trang phục và các công trình, sản phẩm khác nhìn chung có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Các biểu tượng đó tuy quen thuộc nhưng chứa đựng ước mong cuộc sống tốt tươi hoa lá, vạn vật sinh sôi nảy nở theo ý nguyện của cư dân hái lượm.

Nồi đồng là dụng cụ sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống của mỗi gia đình, buôn làng Tây Nguyên. Người bản địa cũng không sản xuất ra được nồi đồng, phải mua từ người Kinh, người Lào, người Campuchia nhưng nó là hiện vật ăn sâu vào nhiều yếu tố của văn hóa truyền thống của các tộc người nơi đây. Người Ê Đê, Jrai có các loại nồi lớn gọi là gõ kbung, gõ k’biê (chứa khoảng 70 lít nước). Người Ê đê gọi gõ êsei, nghĩa đen là “nồi cơm”, nghĩa bóng là gia đình.

Gia đình này là đại gia đình mẫu hệ, có một người mẹ sinh ra, những người con đều phụ thuộc vào người mẹ và cùng được ăn một nồi, sống trong một mái nhà dài. Người Ê Đê nói sa gõ (cùng một nồi) để biểu thị cho mối quan hệ này: cùng một mẹ, cùng một gia đình. Cái nồi đồng tượng trưng cho sự no ấm, hạnh phúc, yên lành giống như bầu vú mẹ, mang đến nguồn sống cho con cháu, cho mọi người.

Chiếc nồi đồng đã đi vào thơ ca, huyền thoại, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc dân gian. Nơi sàn hiên nhà dài Ê Đê ta luôn bắt gặp mô típ tượng khắc gỗ thể hiện hai chiếc nồi đồng ở trên đầu cột, bố trí đối xứng từ hai vách nhà. Cây cầu thang lên xuống đặt chính giữa, có khắc chạm hình hai bầu vú mẹ, ngôi sao, mảnh trăng non… Cùng với nồi đồng và bầu vú mẹ, hình ảnh tượng trưng cho sức sống, quyền lực mẫu hệ, tượng trưng cho người mẹ, cái gốc của sự sinh sôi, nẩy nở đầy tính phồn thực.

Tại các quần thể kiến trúc nhà mồ, ta luôn bắt gặp mô típ nồi đồng bên cạnh các hình tượng khác. Nồi đồng là mô típ chủ đạo, trên đó được gắn thêm hình chim công, rau dớn, ngà voi… Tất cả đều miêu tả những hình ảnh sống động của thiên nhiên, con người, tạo nên một biểu tượng đẹp đẽ, thần bí, cao sang.

Phồn thực là biểu tượng văn hóa sống động của người Tây Nguyên, nó là mạch nguồn của cảm hứng sáng tạo. Nếu như trong quá khứ, yếu tố phồn thực là linh hồn chi phối, ảnh hưởng đời sống tâm linh, văn hóa, ứng xử, làm nên thế giới quan hồn nhiên, mộc mạc của con người thì hiện tại và tương lai, biểu tượng phồn thực vẫn như là chất men, nhựa sống để các tộc người tiếp tục sáng tạo các giá trị văn hóa mới thấm đẫm chất nhân văn. Biểu tượng phồn thực là nét độc đáo trong kho tàng nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên.

Tấn Vịnh

Có thể bạn quan tâm