(GLO)- Cây phong ba ở Trường Sa được các chiến sĩ gọi là “lá chắn siêu bền nơi đầu sóng ngọn gió”. Ngoài tô điểm cho đảo thêm xanh thêm đẹp, phong ba vừa là biểu tượng kiên cường chịu đựng sóng gió, vừa là người bạn tâm tình của lính đảo. Câu chuyện kể về “lá chắn Trường Sa” đẹp như huyền thoại.
Sức sống phong ba
Cây phong ba ở đảo Sơn Ca. Ảnh: Mai Thắng |
Cựu binh Phạm Văn Minh-nguyên là chiến sĩ đặt viên đá đầu tiên xuống lòng đại dương xây đảo Trường Sa Lớn kể lại: Trường Sa những ngày đầu giải phóng chỉ toàn cát và sỏi đá. Cả đảo không có một bóng cây. Những phuy dầu và hóa chất của Mỹ-Ngụy để lại chảy tràn làm cho mặt đảo khô cằn, cộng với khí hậu khắc nghiệt, khiến không một loài cây nào có thể mọc được. Mãi đến năm 1978, một buổi sớm trên đường tuần tra, tốp lính trẻ phát hiện rìa mép đảo có một bụi cây lúp xúp, lá như lá mít, có khía trắng, thân mềm, vững vàng trước gió và những đợt sóng vỗ bờ. Hôm sau, các chiến sĩ đã bứng về trồng gần hầm hào công sự. Như một sự diệu kỳ, mầm xanh ấy vươn cao trong cát bỏng, sỏi đá và nước biển mặn.
Thấy cây xanh ấy có sức sống mãnh liệt, chịu được nắng gió, các chiến sĩ đã tỉa ra trồng dọc chiến hào, quanh nhà ở, sát mép đảo. Qua nhiều đợt bão giông, cây vẫn đứng vững. Mùa thay lá chỉ còn lại những cành như bàn tay khẳng khiu chống chọi với khí hậu khắc nghiệt. Chồi non lại mọc ra từ những bàn tay khẳng khiu ấy vào cuối mùa thu. Do có sức sống dẻo dai, chịu đựng sóng gió, thời tiết khắc nghiệt mà bộ đội Trường Sa gọi là cây bão táp. Mãi đến năm 1984, khi nhạc sĩ Hình Phước Long cho ra đời ca khúc “Gặp em ở đảo Sinh Tồn” và lần đầu tiên ca khúc ấy được ca sĩ Anh Đào hát cho bộ đội đảo Sinh Tồn nghe trong một lần ra thăm đảo, khi ấy cái tên cây phong ba mới được “cập nhật”. Ca khúc có đoạn “Đời anh như cây phong ba, vững vàng giữ đảo Trường Sa”. Từ đó, bộ đội Trường Sa gọi là cây phong ba cho đến bây giờ.
Nói về sức sống của cây phong ba, cựu binh Minh khẳng định: “Ở Trường Sa, không cây nào có sức sống mãnh liệt như cây phong ba, kể cả cây bàng quả vuông. Mọi người gọi phong ba là lá chắn của đảo. Mà thực tế, cây phong ba rất có hữu ích, vừa là vật che đỡ trong huấn luyện phòng thủ bảo vệ đảo, vừa góp cho đảo có thêm màu xanh. Nhiều bài thơ, ca khúc và cả những mối tình lãng mạn cũng xuất phát từ cây phong ba này. Mỗi lần từ đất liền ra thăm Trường Sa, đứng dưới gốc phong ba, cảm thấy mình nhỏ nhoi trước biển. Sau những giờ “lăn lê bò trườn”, tán lá phong ba giúp các chiến sĩ dịu mồ hôi”.
Lá chắn Trường Sa
Dưới tán phong ba, bộ đội Trường Sa vững vàng tay súng. Ảnh: Mai Thắng |
Bây giờ, tất cả các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều có cây phong ba. Phong ba mọc quanh triền mép đảo, dọc giao thông hào, cạnh nhà ở. Lính đảo Trường Sa luôn coi phong ba là lá chắn thép bảo vệ đảo. Trung sĩ Nguyễn Hải Triều ở đảo Đá Lớn dẫn chúng tôi đến từng gốc phong ba, Triều bảo: “Đảo Đá Lớn có 43 cây phong ba, mỗi cây tượng trưng cho mỗi chiến sĩ kiên cường trên đảo, một lá chắn sống trước bão tố, nó sống dẻo dai, chịu sóng rất tốt, bão to, gió lớn thế nào cũng không ngã gục”.
Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa tận cùng cơn khát, cây phong ba không chỉ che mát, phòng thủ bảo vệ đảo, mà còn là người bạn tâm tình son sắc của lính đảo Trường Sa. Ở nơi đây, mầm xanh bền bỉ duy nhất chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết và gió bão đại dương chỉ có phong ba-loài cây thân gỗ mềm, rễ bám sâu vào lòng đất, ưa sống trên cát mặn và đá sỏi. Sau những buổi huấn luyện nhọc nhằn, lính trẻ lại quây quần bên gốc phong ba đọc thư nhà. Những đêm trăng thanh gió mát, lính trẻ lại ôm đàn guitar hát vang bài ca người lính bên cây phong ba vươn thẳng lên trời cao. Cây phong ba ở Trường Sa, ngoài việc tô điểm cho đảo thêm xanh thêm đẹp, nó còn tượng trưng cho tinh thần “kiên cường bám trụ, khí phách kiên trung, vững vàng tay súng, bất chấp gian khổ” của cán bộ chiến sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Mai Thắng