Sức khỏe

Phòng ngừa tật khúc xạ học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp học sinh phát hiện và ngăn ngừa các tật khúc xạ học đường, từ ngày 4-4 đến 2-6, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai triển khai chương trình “Chăm sóc mắt học đường 2018” tại 10 trường học trên địa bàn TP. Pleiku.

Điểm đến đầu tiên của chương trình là Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường Ia Kring). Từ rất sớm, các bác sĩ của Bệnh viện đã bắt tay vào việc kiểm tra thị lực, đo khúc xạ, tư vấn các bệnh về mắt và hướng dẫn cách phòng ngừa, điều trị các bệnh về mắt cho học sinh.

 

Nhiều học sinh ở TP. Pleiku bị tật khúc xạ học đường (ảnh minh họa).

Với kết quả cả 2 mắt đều bị viễn thị và loạn thị, em Trần Gia Hưng, học sinh lớp 21 bộc bạch: “Em phải kéo sách vở thật gần mới nhìn rõ được”. Còn em Nguyễn Đặng Thái An-học sinh lớp 22 cho biết: “Do mắt trái mờ hơn mắt phải nên em hay nhìn nhầm số”. Tuy nhiên, khi được hỏi: “Các em có trao đổi với cha mẹ về tình trạng mắt của mình?” thì đa phần trả lời là không. Cô Đào Thị Ngọc Hoa-cán bộ y tế Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cho biết: “Vào đầu năm học, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế phường Ia Kring khám tổng quát cho các em học sinh... Tuy nhiên, ở độ tuổi này các em vẫn chưa biết tự bảo vệ sức khỏe bản thân, một số phụ huynh còn chưa quan tâm đúng mức đến con em mình. Theo tôi, “Chăm sóc mắt học đường” là chương trình rất thiết thực, giúp các em học sinh sớm phát hiện các bệnh và phụ huynh có hướng điều trị kịp thời”. Cô Hoa cho biết thêm, năm 2017, chương trình khám sàng lọc miễn phí của Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai đã phát hiện kịp thời một em học sinh bị nhược thị một bên mắt và tư vấn hướng điều trị.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai, kết quả khám sàng lọc tại 2/10 trường mới đây cho thấy, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ học đường chiếm khá cao. Cụ thể, tại Trường THCS Trưng Vương, qua khám sàng lọc 1.122 em thì có tới 572 em mắc tật khúc xạ (chiếm gần 51%); còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi có đến 606 em mắc tật khúc xạ trong tổng số 1.232 em đã được khám sàng lọc (gần 49,2%). Theo bác sĩ Nguyễn Nam Trung-Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai, tật khúc xạ học đường ngày càng gia tăng là do cường độ học tập, làm việc hoặc các hoạt động nhìn gần quá lâu của các em. Một nguyên nhân khác là do điều kiện ánh sáng một số phòng học chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ngoài ra còn do thói quen dùng máy tính, điện thoại quá nhiều... “Bệnh về mắt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập, vui chơi và sinh hoạt của các em, vì vậy thông qua chương trình, Bệnh viện sẽ giúp các bậc phụ huynh biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của con em mình để có biện pháp chăm sóc, ngăn ngừa, điều trị kịp thời tật khúc xạ học đường”-bác sĩ Nguyễn Nam Trung nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Nam Trung khuyến cáo: “Khi thấy con thường xuyên nheo mắt, dụi mắt, xem ti vi hay đọc sách phải dí sát, ngồi gần... phụ huynh cần đưa con đi kiểm tra thị lực; nếu gia đình có điều kiện thì nên cho con em mình kiểm tra thị lực định kỳ”.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm