Kinh tế

Pleiku 38 năm với những bước đi đột phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được đánh giá là một thành phố trẻ và năng động với nhiều tiềm năng, qua 38 năm với những giải pháp hợp lý, Pleiku đang khẳng định vị thế là vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Tây Nguyên, từng bước tiếp cận mục tiêu đô thị loại I.

Có tổng diện tích tự nhiên hơn 26 ngàn ha với trên 22 vạn dân và 23 đơn vị hành chính Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của tỉnh Gia Lai, nằm trên trục giao thông nối liền quốc lộ 14 và 19, thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, nằm trên cung đường Hồ Chí Minh và trong vùng tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia.

 

Đường Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Giác

Sau ngày giải phóng, kinh tế thành phố Pleiku có điểm xuất phát thấp, đại bộ phận nhân dân sản xuất tự cung, tự cấp, cơ sở vật chất hầu như không có gì, giao thông chỉ có một số tuyến đường chính nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đến tháng 4-1975, thị xã Pleiku lúc bấy giờ có 75.000 dân, có 4 xã ven thị trên 10.000 dân là vùng sản xuất nông nghiệp, các phường nội thị có 65.000 dân hầu hết là gia đình binh lính và nhân viên ngụy quyền và những người buôn bán, làm thuê, sống dựa vào tiền lương và lợi tức buôn bán, thu nhập về nông nghiệp chỉ là phụ; cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp rất nhỏ bé.

Thị xã chỉ có 1 nhà máy điện, 1 nhà máy nước, một số cơ sở cưa xẻ gỗ, một số gara sửa chữa ô tô xe máy. Toàn thị xã chỉ có 2.000 công nhân và thợ thủ công (2.000/30.000 lao động toàn thị xã). Cơ sở vật chất nông nghiệp nghèo nàn, diện tích gieo trồng vụ mùa năm 1975 chỉ có 3.000 ha, hầu hết là đất thổ; ruộng nước một vụ chỉ có cánh đồng An Mỹ, Phú Thọ; đàn bò có 2.000 con, có 500 bò cày và 2 đồn điền Bàu Cạn, Biển Hồ do tỉnh tiếp quản.

Từ một thị xã hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, quân và dân Pleiku bắt tay xây dựng lại từ đầu, để hôm nay trở thành một thành phố trẻ năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng kinh tế-xã hội. Tự hào với những kết quả đạt được sau 38 năm xây dựng và phát triển và đặc biệt là sau 14 năm trở thành thành phố Pleiku trực thuộc tỉnh, Pleiku đã tập trung khai thác lợi thế, ra sức phát huy các nguồn lực, đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng ngày càng cao với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gần 15%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm tăng bình quân trên 20%.

“Riêng từ năm 2012 đến nay, cùng với các địa phương trong cả nước, thành phố Pleiku  phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới. Giá cả nhiều mặt hàng tăng, tiêu thụ sản phẩm của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn, chưa tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phải giải thể, phá sản, việc làm cho người lao động không ổn định, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…

Song với những giải pháp phù hợp, lựa chọn bước đi thích hợp, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và các bước đột phá, vận dụng có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương, thành phố Pleiku đã đạt nhiều kết quả quan trọng”-ông Nguyễn Đình Tiến-Chủ tịch UBND TP. Pleiku phấn khởi cho biết.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 tăng 14,45% so với năm 2011; tổng vốn đầu tư toàn xã hội qua 2 năm đạt trên 5.810 tỷ đồng; công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị được đặc biệt quan tâm, đã tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng phúc lợi góp phần làm cho bộ mặt thành phố có những thay đổi rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, từ 2,07% (992 hộ) năm 2011 xuống còn 1,00% (493 hộ) năm 2012.

Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội, TP. Pleiku đã xác định công tác đầu tư chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị là bước đột phá nhằm góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố. Năm 2011, Thành ủy Pleiku đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020” với mục tiêu phát triển đô thị Pleiku hợp lý, hài hòa, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi xã hội theo hướng hiện đại. Sau gần 2 năm triển khai, Pleiku đạt tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4.762 tỷ đồng.

Ngoài ra, công tác chỉnh trang đô thị, thu gom rác thải, duy tu công trình công cộng cũng được thường xuyên quan tâm đầu tư, qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng xanh-sạch-đẹp.

Các công trình hiện đại được xây dựng như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, quốc lộ 14, quốc lộ 19 đoạn qua thành phố Pleiku, khu vui chơi giải trí Đồng Xanh, hồ Diên Hồng, Về Nguồn, làng văn hóa du lịch Plei Ốp... góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Pleiku, đã làm cho thành phố có một vóc dáng mới ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Thành phố tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho công tác kêu gọi thu hút đầu tư, hợp tác đầu tư từ bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của tỉnh, Pleiku thực sự là vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được coi là một trong những thành tố tạo nên một Pleiku giàu mạnh, hiện đại và văn minh. Qua 2 năm (2011-2012), tổng kinh phí đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới toàn thành phố là 247 tỷ đồng, trong đó phần thành phố đầu tư là 2,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình công cộng như: đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình thể dục thể thao... nhằm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các xã, phấn đấu năm 2013 sẽ có 4 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới.

Để thực hiện thắng lợi nhiêm vụ năm 2013, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku nhấn mạnh, Pleiku sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 14,85%; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thành phố xác định, phải khai thác có hiệu quả các thế mạnh của địa phương, trong đó tập trung vào lĩnh vực dịch vụ-thương mại, giữ vững nhịp độ phát triển của nhóm ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Cùng với sự nỗ lực của toàn dân và chính quyền các cấp, mục tiêu trở thành đô thị loại I và là vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Tây Nguyên của thành phố Pleiku đang ở tương lai rất gần.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm