Phóng sự - Ký sự

Pleiku, cơn đau trong quá trình đô thị hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sự biến đổi lột xác nào của một đô thị bất kỳ, bên cạnh niềm vui cũng luôn có nỗi quặn đau bởi không dễ trong một chốc lát đã có thể thay đổi được những thói quen, tập quán ăn sâu vào nếp sống đô thị. Thành phố trẻ Pleiku cũng vậy. Chỉ trong một thập niên từ đô thị loại III, Phố núi nhanh chóng tiến lên thành đô thị loại II, rất nhiều cư dân không bắt kịp tốc độ chuyển đổi nên đây đó vẫn còn một vài hình ảnh gây nhức nhối với những ai không thản nhiên đứng ngoài cuộc…

Rác quảng cáo ở khắp mọi nơi. Ảnh: Nguyễn Giác

Cách đây không lâu người viết bài này đã từng phản ánh về những điều cần chỉnh sửa của thành phố trong loạt bài phóng sự “Pleiku, những điều trông thấy”, rồi tiếp đến là “Pleiku, tạp nham quảng cáo cột đèn” và còn nhiều bài khác nữa của đồng nghiệp đăng tải trên các phương tiện thông tin. Thế nhưng như “nước đổ lá môn” tình trạng vẫn không thay đổi, thậm chí chính quyền địa phương và các ngành liên quan của thành phố đến nay vẫn chưa có phản hồi nào chứng tỏ sự cầu thị tiếp thu của mình. Và cách đây vài hôm, ngày 30-1-2010, trong cuộc gặp mặt đầu Xuân giữa lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các nhà báo, một đồng nghiệp của chúng tôi đã phát biểu rằng, trong một ngày anh nhớ ông Chủ tịch thành phố Pleiku ít nhất cũng vài lần chỉ vì cứ sáng ra là đã thấy có chuyện để nhớ. Nào là rác dưới đường, rác trên tường, rác trên không trung; lẽ ra cái gì đẹp thì phô bày còn cái xấu thì giấu đi, đằng này cái xấu cứ nhan nhản trước mắt…

Đó là những trăn trở, những nỗi đau của những người có tâm với thành phố thân yêu của mình. Nêu những vấn đề trên để thấy đây không chỉ là chuyện của những nhà báo, chuyện của chính quyền thành phố hay của một cơ quan chức năng nào mà là vấn đề của toàn xã hội. Vậy thì chúng ta đã làm gì để gột rửa, vệ sinh thành phố sau chừng ấy tác động xấu của những thói quen chết người? Đến nay những dòng chữ quảng cáo nhăng nhít khoan cắt bê tông vẫn còn dày đặc trên vách tường nhà trong các con phố, biển quảng cáo bán nhà bán đất, dạy kèm… vẫn ken dày trên cột điện đường, trên các cột đèn tín hiệu giao thông; rao bán gạch đá, nhận hút hầm cầu dán cả trên thùng thiết bị điện; gốc cổ thụ đường Nguyễn Du và gần đây thêm đường Hai Bà Trưng trở thành những nơi đặt trang thờ… Chưa có một buổi lao động tập thể ngày thứ bảy hay chủ nhật của các đoàn viên thanh niên thuộc các cơ quan, trường học dọn dẹp, lau chùi, lột xé rác thải và những cái quảng cáo tạp nham bẩn thỉu ấy!

Bên cạnh đó còn những hình ảnh không đẹp mà chúng ta vẫn luôn bắt gặp hàng ngày trên phố: Những người bán hàng rong, bán vé số, đánh giày và những người ăn xin. Chẳng lẽ chúng ta không thể làm sạch đi hình ảnh này sao, trong khi nhiều thành phố khác trong cả nước đã làm được, Đà Nẵng chẳng hạn?

Và những ngày cận Tết Nguyên đán, một vấn đề đã và đang gây bức xúc trong đời sống đô thị Pleiku mà người viết từng chứng kiến. Thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ và đô thị, những người tham gia giao thông rẽ phải khi đèn đỏ ở các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông bị Công an và trật tự phường đưa về xử phạt 300.000 đồng. Chưa có điều kiện thống kê số tiền xử phạt của các phường trong thành phố Pleiku tháng qua là bao nhiêu nhưng chắc chắn con số ấy không nhỏ, nhất là ở các phường nội thành, nếu bạn chỉ theo dõi trong một vài giờ số người vi phạm ở nút giao thông Hai Bà Trưng- Đinh Tiên Hoàng; Đinh Tiên Hoàng- Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ- Trần Phú đã lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm.

Tại sao tình trạng vi phạm rẽ phải khi đèn đỏ ở các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông lại xảy ra nhiều như vậy? Nguyên nhân chính là do trước đây tại các ngã tư này có treo biển cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, bây giờ biển đã tháo đi lại không có biển mới thông báo sẽ bị xử phạt nếu rẽ phải nên tình trạng vi phạm xảy ra thường xuyên là đương nhiên, một người dân đi đường khẳng định với tôi như vậy! Đường ngang qua dải phân cách nếu bố trí không hợp lý cũng là nguyên nhân khiến người tham gia giao thông vi phạm, trường hợp đường Nguyễn Đức Cảnh giao nhau với đại lộ Phạm Văn Đồng là một ví dụ, không thể chạy ngược ra phía Biển Hồ gần 2 km để qua đường khi nhà người ta chỉ cách đầu dải phân cách trên dưới vài chục mét.

Thái độ của đội ngũ những người làm công tác trật tự cũng là điều đáng quan tâm. Ông Hà Ngọc Chính- một cộng tác viên của Báo Gia Lai kể, ông đã từng chứng kiến cảnh một phụ nữ chở con nhỏ bị trật tự phường bắt giữ, trời trưa nắng con đói, xe không có, chị không biết làm sao về nhà kịp cơm nước cho gia đình. Bản thân người viết cũng mục sở thị cảnh một người đàn ông đứng tuổi tái mặt dở khóc dở mếu ở chợ Hoa Lư khi bị một trật tự phường còn trẻ đáng tuổi con, tuổi cháu nhưng “vẻ mặt đằng đằng sát khí” bắt xe vì ông để xe trên vỉa hè chợ. Con người không phải là một cỗ máy vô tri vô giác, chẳng lẽ những người thực thi pháp luật lại nhẫn tâm, vô tình đến mức như vậy sao, khi mục đích cuối cùng của pháp luật là làm sao cho mọi người đều ý thức tự giác chấp hành?

Có chủ quan không khi tôi cho rằng hai nhân vật trong chuyện tôi vừa nêu trên có lẽ đến mãn đời cũng sẽ không lập lại hành vi vi phạm ấy nữa? Còn nhớ có một bạn đọc công tác ở ngành Công an đã từng viết trên báo Gia Lai rằng, văn hóa giao thông không chỉ đòi hỏi người tham gia giao thông thể hiện mà cả những người thực thi pháp luật giao thông cũng phải ứng xử sao cho có văn hóa.

Được biết chính quyền thành phố đang triển khai công tác chỉnh trang đô thị. Khi nào những vấn đề nêu trên đã được giải quyết, điều chỉnh thấu đáo thì có nghĩa là cơn đau của thành phố cũng đã dịu êm…

Thanh Phong




Có thể bạn quan tâm