Sẵn sàng lực lượng, phương tiện
Bước vào mùa mưa bão năm 2023, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với các sự cố do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và CNCH (Công an tỉnh) thông tin: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị thường xuyên bám sát, nắm bắt thông tin diễn biến thời tiết để xây dựng các phương án phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão. Trên cơ sở xác định các khu vực trọng điểm chịu ảnh hưởng của thiên tai, Công an tỉnh đã xây dựng các tình huống giả định để huấn luyện, diễn tập.
Đồng thời, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng tham gia và hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm, CNCH khi có thiên tai xảy ra. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp, trao đổi thông tin với Công an các địa phương nắm chắc địa bàn, khu vực thường xảy ra ngập lụt sau mưa lớn để khi có tình huống sẽ triển khai đưa người và phương tiện đến các vị trí một cách nhanh nhất.
Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) huấn luyện vượt sông bằng phương tiện xuồng VS 1500. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đến nay, Công an tỉnh đã chuẩn bị lực lượng với 2.921 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng; huy động và chuẩn bị 639 phương tiện đường bộ, 10 phương tiện đường thủy, 1.963 áo phao các loại và các bộ thiết bị lặn, thiết bị dò tìm người bị nạn trong đống đổ nát và dưới nước... để sẵn sàng tham gia công tác phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, Công an tỉnh thường xuyên huấn luyện để cán bộ, chiến sĩ nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng tìm kiếm cứu nạn, sử dụng các trang-thiết bị, phương tiện đặc chủng về công tác CNCH. Đồng thời, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các địa phương duy trì quân số trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ để khi sự cố xảy ra nhanh chóng có mặt tại hiện trường tham gia CNCH.
Cùng với lực lượng Công an, các đơn vị quân đội cũng đã triển khai các phương án phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh-cho biết: Gia Lai có địa hình phức tạp, nhiều ao hồ, sông suối, một số khu vực có nền địa chất yếu nên dễ xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất. Chính vì thế, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh luôn xây dựng các phương án, sẵn sàng CNCH theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Đối với lực lượng vũ trang tỉnh, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, kịch bản khi xảy ra sự cố thiên tai và cách xử lý. Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang-thiết bị để sẵn sàng CNCH, di dời người dân đến nơi an toàn”-Đại tá Lê Kim Giàu nhấn mạnh.
Những năm qua, Quân đoàn 3 là một trong những mũi chủ công trong công tác CNCH trên địa bàn tỉnh. Hiện Quân đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện CNCH trong mùa mưa bão năm nay như: hệ thống cầu, phà bắc qua sông, ca nô, xe ủi, máy xúc, xe y tế, hệ thống thông tin liên lạc truyền hình ảnh từ hiện trường về sở chỉ huy để chỉ đạo công tác CNCH. 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân đoàn đã làm tốt việc kiện toàn, duy trì nền nếp hoạt động của Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; chủ động xây dựng, hoàn thiện kế hoạch phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra, nhất là phương án phối hợp với các ban, ngành chuẩn bị tốt các mặt bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đơn vị, địa phương, trong đó trọng tâm là di dời dân, cứu dân khi bị lũ quét, sạt lở đất đá, vỡ các hồ, đập thủy điện nhỏ...
Vì an toàn tính mạng và tài sản của người dân
Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Trên địa bàn các xã Ia Mơr, Ia Lâu, Ia Púch (huyện Chư Prông) thường xảy ra lũ lụt. Chính vì thế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị về áo phao, phương tiện, lương thực, thực phẩm, thuốc men, sẵn sàng ứng cứu người dân khi có tình huống xảy ra. Quan điểm chỉ đạo là bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Trong khi đó, Quân đoàn 3 đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tập huấn để cán bộ, chiến sĩ thành thạo việc chèo, đẩy, lái xuồng cao tốc, ca nô lắp ghép phà qua sông. Ngoài ra, thực tập các phương án kỹ thuật bơi cứu người, phương pháp cứu người bị nạn; xử trí tình huống tìm kiếm đưa người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm; phương pháp di chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ lụt; cách làm bè mảng bằng vật liệu tại chỗ, cách chèo chống bè mảng; phương pháp gia cố hàn khẩu đê bằng vật liệu tại chỗ...
Thượng tá Lê Hồng Thạch-Phó Chính ủy Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) thông tin: “Được giao nhiệm vụ CNCH trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, phòng-chống để giảm nhẹ thiên tai”. Đơn vị được biên chế những phương tiện đặc chủng để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài việc huấn luyện để bộ đội sử dụng thành thạo các phương tiện, chúng tôi còn quán triệt để cán bộ, chiến sĩ hiểu được trách nhiệm của mình. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn xác định đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà người dân cần, chính quyền địa phương đề nghị”.
Cùng với các phương án chuẩn bị cho công tác phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và CNCH (Công an tỉnh) đã phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền các địa phương, nhất là ở khu vực trọng điểm để tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nguy cơ và cách phòng-chống tai nạn do thiên tai gây ra. Đồng thời, tổ chức rà soát, nắm bắt số hộ, nhân khẩu sinh sống ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra, từ đó phối hợp xây dựng phương án di dời và cung cấp lương thực, thực phẩm khi có sự cố, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ngoài ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm, xung yếu, có nhiều nguy cơ ngập lụt, sạt lở... để kịp thời phân luồng từ sớm, từ xa, cảnh báo cho người dân, đảm bảo an toàn trong việc di chuyển trong mùa mưa bão.
Ngày 9-8, UBND tỉnh có Công văn số 2116/UBND-NL về việc tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị xây dựng phương án, triển khai lực lượng chủ động phòng-chống sạt lở, sụt lún, ngập lụt, lũ quét và kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng. Chủ động thực hiện phương án di dời dân, ổn định nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân khi thực hiện di dời...