Giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con hoặc không muốn sinh là một trong các yếu tố khiến mức độ tăng dân số của VN đang giảm trong các năm gần đây; đồng thời khiến VN đứng trước nguy cơ già hóa, mất dân số vàng, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Y tế đang đề xuất các giải pháp can thiệp để duy trì được mức sinh thay thế tại VN, không để dân số tăng trưởng âm. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ khuyến khích sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được áp dụng tại một số địa phương chưa thay đổi được xu hướng kết hôn muộn và "ngại" sinh con ở người trẻ.
VN còn nhiều việc phải làm để bảo đảm phát triển bền vững dân số. Ảnh:Độc Lập |
KẾT HÔN MUỘN, SINH ÍT CON HOẶC KHÔNG MUỐN SINH
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), hiện mô hình sinh của VN chuyển dịch mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi từ 20 - 24 sang nhóm tuổi từ 25 - 29, đồng thời với thực tế đó, tuổi kết hôn tăng, giảm tỷ lệ kết hôn. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa đang ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.
Một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu, tham gia công tác xây dựng chính sách dân số, đánh giá xu hướng "ngại sinh, ngại kết hôn, trì hoãn sinh con" đang chịu tác động của 4 nhóm nguyên nhân. Trong đó, quá trình đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ là một trong những tác động với các cặp vợ chồng trẻ, khiến họ trì hoãn kết hôn và cũng là yếu tố tác động đến phụ nữ trẻ, họ không sinh hoặc sinh ít con thay vì sinh 2 - 2,1 con/phụ nữ (là mức sinh thay thế mà VN đang cần duy trì).
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cho rằng các yếu tố khác như hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng tác động đến quyết định sinh con của người lao động trẻ. Ngoài ra, với một số nhóm bạn trẻ, khi có học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Hoặc tình trạng phá thai tại khu vực tư nhân chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới hậu quả vô sinh và ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ trẻ em.
"Tại dự thảo luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo và hoàn thiện, "giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên" là một trong các nhóm chính sách về dân số được đưa vào dự thảo", một thành viên ban soạn thảo cho biết.
HỖ TRỢ "CHƯA ĐỦ MẠNH"
Theo Bộ Y tế, hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con (theo số liệu trong Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng). Đây là các địa phương áp dụng những biện pháp khuyến khích sinh đủ 2 con tại các vùng có mức sinh thấp trong các năm qua.
Mô hình sinh của VN đã chuyển dịch mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi từ 20 - 24 sang nhóm tuổi từ 25 - 29, đồng thời với tuổi kết hôn tăng, giảm tỷ lệ kết hôn. Ảnh: Du Yên |
Thông tin về kết quả can thiệp "khuyến sinh" tại các địa phương trên, ông Lê Thanh Dũng cho hay một số tỉnh, thành đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, trong đó có hỗ trợ tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ chi phí y tế 1 lần khi sinh con.
"Mức tiền khen thưởng dù là rất nhỏ nhưng là sự động viên, khuyến khích đối với các cá nhân, cặp vợ chồng trong việc thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, vợ chồng sinh đủ 2 con. Hay mức hỗ trợ chi phí y tế là không đáng kể song đối với phụ nữ, gia đình lao động có thu nhập thấp thì khoản tiền đó phần nào hỗ trợ được cho họ lúc sinh con, khi mà nhu cầu chi phí cho gia đình gia tăng trong khi thu nhập giảm do nghỉ sinh... Đây là bước đệm, là nền tảng cho việc xây dựng, phát triển các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con", ông Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, về các giải pháp bền vững để "khuyến sinh" như: hỗ trợ mua nhà ở xã hội, ưu tiên được học trường công lập và một số chính sách khuyến khích khác với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trước 35 tuổi, như chủ trương của Chính phủ, ông Dũng cho rằng: "Đó là những chính sách lớn, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nguồn lực đầu tư lớn. Việc thí điểm các can thiệp tại vùng mức sinh thấp theo yêu cầu của Thủ tướng hiện vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu và xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh, thành thuộc vùng có mức sinh thấp".
DỰ BÁO NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG DÂN SỐ ÂM
Trả lời câu hỏi đang được nhiều người quan tâm: "Vì sao VN cần có chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con, trong khi thực tế dân số vẫn gia tăng?", Cục trưởng Cục Dân số cho biết các nghiên cứu, dự báo cho thấy xu hướng mức sinh giảm tại VN. Với xu hướng này, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên. Hiện VN vẫn đang ở trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo đó, khi mức sinh giảm càng làm thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số ở nước ta. Như vậy, nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người VN tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và VN sẽ có cơ cấu dân số già.
"Do đó, các chính sách kiểm soát mức sinh cần điều chỉnh kịp thời khi mức sinh có xu hướng giảm. Hiện trên thế giới chưa có nước nào thành công trong việc đưa về mức sinh thay thế khi tổng tỷ suất sinh giảm sâu. Vì vậy, VN cần chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp", ông Dũng cho biết.
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long cũng đề nghị Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích sinh đủ 2 con như hỗ trợ về thuê nhà, mua nhà ở xã hội (ưu đãi lãi suất). Hay các chính sách giáo dục, y tế để họ giảm bớt áp lực, sẵn sàng tâm lý và điều kiện để chủ động sinh con. Nếu không sớm có giải pháp, theo ông Long, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ mất lực lượng lao động trẻ dồi dào, sẽ không hút được các doanh nghiệp FDI, cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Như vậy nền kinh tế sẽ đối mặt với khủng hoảng lao động.
Trong khi đó, theo dự thảo luật Dân số, một trong các nhóm vấn đề được đưa ra là quy định về điều chỉnh quy mô dân số, điều chỉnh mức sinh, thực hiện duy trì mức sinh thay thế, kế hoạch hóa gia đình và quy định về số con. Theo ban soạn thảo, việc điều chỉnh mức sinh phải gắn với yêu cầu giảm sinh ở những tỉnh, thành có mức sinh cao, duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành đạt mức sinh thay thế, tăng sinh ở những nơi có mức sinh thấp để đạt mức sinh thay thế.
Dự thảo luật Dân số đề xuất các giải pháp duy trì mức sinh thay thế và quy định về số con với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định Hiến pháp 2013.
Với các mục tiêu cơ bản trên, dự thảo đề xuất 3 giải pháp, trong đó có đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh để bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Theo Cục Dân số, đề xuất này có ưu điểm là tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp, không vực lên được như một số nước phải đối mặt. Kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống rất thấp, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh lên mức sinh thay thế.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng có hạn chế là nếu không chú trọng tuyên truyền vận động dễ dẫn tới tăng đột biến mức sinh. Ước tính, quy mô dân số đến năm 2030 tăng 2 triệu người so với giải pháp tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình như hiện nay, ảnh hưởng tới chỉ số thu nhập bình quân trên đầu người và chi bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, dự thảo cũng quy định cặp vợ chồng, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ.
Mức tăng dân số đang chậm lại
Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2017 - 2020 là 1,07%. Tuy nhiên, do mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Theo Dự báo dân số VN 2019 - 2069 (Tổng cục Thống kê), trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số VN sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054 - 2059 bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064 - 2069) là 0,18%, tương đương giảm bình quân 200.000 người/năm. Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định thì dân số VN tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 - 2069 tăng 0,17%, tương đương 200.000 người/năm.
(Nguồn: Cục Dân số, Bộ Y tế)
Kêu gọi trách nhiệm cá nhân sinh đủ 2 con
Tại các vùng có mức sinh thấp, để nâng mức sinh, ngoài điều kiện là các giải pháp về chính sách hỗ trợ, khuyến khích; tạo môi trường… để các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, thì điều kiện cần là trách nhiệm của cá nhân, gia đình đối với việc sinh đủ 2 con. Mặt khác, từ bài học kinh nghiệm rút ra từ các nước có mức sinh thấp hiện nay, khi đã đạt mức sinh thay thế, cần và ngay lập tức triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp can thiệp nhằm ngăn chặn việc mức sinh xuống thấp hoặc quá thấp. Do đó, hiệu quả chỉ có thể đạt được khi có nhận thức đúng, có giải pháp đúng và đúng thời điểm.Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ thực hiện đánh giá sơ kết giai đoạn 2020 - 2025 để điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn 2026 - 2030.
(Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế)
4 nhóm giải pháp can thiệp tại vùng mức sinh thấp
Các giải pháp ở vùng mức sinh thấp hiện tập trung ban hành các chính sách, các can thiệp nhằm khuyến khích nam, nữ thanh niên kết hôn trước tuổi 30; hỗ trợ phụ nữ mang thai, sinh con và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi như:
1. Hỗ trợ để tạo môi trường nam, nữ thanh niên giao lưu, kết bạn, hẹn hò và tiến tới hôn nhân.
2. Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ: thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình...
3. Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con: sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con;
4. Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình;... từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
(Cục Dân số, Bộ Y tế)