Chính trị

Tin tức

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 2-6-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đây được xem là “kim chỉ nam” để các cơ quan tư pháp triển khai các hoạt động cải cách để phù hợp với nhu cầu của xã hội. Là một trong những bộ phận quan trọng trong hệ thống tư pháp, qua 8 năm triển khai thực hiện nghị quyết, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, ngành Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW, Tỉnh ủy đã có Kế hoạch số 06/KH-TU chỉ đạo các cơ quan tư pháp tổ chức học tập và triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo TAND tỉnh đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn ngành quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết. Qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay ngành TAND tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.

 

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình làm việc với TAND tỉnh. Ảnh: Hoàng Cư

Mục tiêu quan trọng đầu tiên mà ngành TAND tỉnh hướng đến là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo TAND tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển dụng và tiếp nhận công chức. Trong 8 năm, toàn ngành đã tiếp nhận 4 công chức, tuyển dụng 114 công chức, đồng thời ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với 40 người.

Nhờ vậy, đến nay ngành TAND tỉnh có 210 người (cấp tỉnh 48 người, cấp huyện 162 người), tăng 87 người so với thời điểm trước khi có Nghị quyết 49. Đặc biệt, số lượng thẩm phán tăng 32 người, 100% thẩm phán là cử nhân luật, 45% thẩm phán có trình độ cao cấp lý luận chính trị trở lên. Cũng trong thời gian qua, TAND tỉnh đã cử 8 công chức học thạc sĩ chuyên ngành luật, 15 công chức ở ngạch thư ký tòa án trình độ trung cấp luật học cử nhân luật, 28 công chức học cao cấp lý luận chính trị…

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, ngành cũng đã cử hơn 500 lượt công chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do tỉnh và TAND tối cao tổ chức. Cùng với đó, TAND tỉnh đã đề nghị TAND tối cao bổ nhiệm 1 Chánh án, 2 Phó Chánh án TAND tỉnh, 25 Chánh án và 29 Phó Chánh án TAND cấp huyện, 134 lượt thẩm phán. Chánh án TAND tỉnh cũng đã bổ nhiệm 8 Chánh tòa, 7 Phó Chánh tòa và một số chức danh khác. Ngoài ra, công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật công chức, người lao động được quan tâm thực hiện. Nhờ được củng cố, kiện toàn nên hoạt động của hệ thống Tòa án từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố tốt hơn so với trước đây.

Trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, TAND tỉnh đã chỉ đạo Tòa án cấp huyện đổi mới tổ chức, hoạt động, nhất là việc tăng thẩm quyền xét xử, tiến tới thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực. Đến nay, TAND tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh xác định số lượng, địa điểm đặt trụ sở của 9 Tòa án sơ thẩm khu vực tại TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện: Chư Pah, Mang Yang, Chư Sê, Krông Pa, Chư Prông, Kbang. Được biết, trong chuyến công tác tại Gia Lai, đoàn khảo sát của các cơ quan tư pháp Trung ương do Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Tú làm Trưởng đoàn đã cơ bản nhất trí với phương án của tỉnh.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, những năm qua, cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương với ngành Tòa án được tôn trọng thực hiện. Nhờ vậy, trên thực tế chưa xảy ra tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào quá trình xét xử của tòa án. Cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động của ngành Tòa án được phát huy.

Cùng với đó, các chế định bổ trợ tư pháp cũng được cấp ủy và chính quyền địa phương thiết lập và củng cố. Nếu năm 2005 toàn tỉnh chỉ có 56 giám định viên thì đến nay đã có 129 giám định viên và 1 tổ chức giám định tư pháp là Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc Công an tỉnh. Theo đó, lĩnh vực giám định cũng được mở rộng hơn trước đây, với 57 giám định viên pháp y; 33 giám định viên kỹ thuật hình sự, tài chính  kế toán, nông-lâm nghiệp; 16 giám định viên lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, thông tin truyền thông; 23 giám định viên thuộc các lĩnh vực khác.

Tính đến nay, cả tỉnh có 21 luật sư đang hành nghề và 19 luật sư tập sự thuộc 8 tổ chức hành nghề luật sư. Đoàn Luật sư ngày càng được củng cố, hoạt động dựa trên nguyên tác tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Lực lượng Cảnh sát Hỗ trợ Tư pháp được củng cố, kiện toàn với sự hiện diện của Phòng Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp, toàn tỉnh có 374 cán bộ chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp...

Có thể khẳng định, qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, chất lượng đội ngũ và hoạt động của ngành TAND tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiện, trên thực tế, ngành vẫn còn một số khó khăn, đó là: toàn ngành còn thiếu 21 công chức, trong đó có 13 thẩm phán; cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn; trình độ, năng lực của đội ngũ thẩm phán chưa đồng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử… Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác bổ trợ tư pháp của tỉnh vẫn còn thiếu và yếu. Cụ thể là đội ngũ giám định viên thiếu về số lượng, phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu; số lượng tổ chức hành nghề luật sự và luật sư tuy có tăng so với trước đây nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội, đặc biệt là yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị tiếp tục được hiện thực hóa trong hoạt động của tòa án, thời gian tới, ngành TAND tỉnh tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, bản lĩnh và kỷ cương, công tâm và trách nhiệm”; lựa chọn và bổ nhiệm đủ số lượng thẩm phán; thực hiện đúng pháp luật về thi hành án hình sự; chủ động phòng-chống sai phạm trong lĩnh vực xét xử; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tiếp tục chuẩn bị cho việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực.

Trong số các giải pháp, ngành TAND tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Theo đó, ngành sẽ tiếp tục đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh tụng tại tất cả các phiên tòa đúng tinh thần cải cách tư pháp, hạn chế đến mức thấp nhất án để quá hạn luật định, án bị hủy, bị cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, chú trọng công tác xét xử lưu động, nâng cao chất lượng công tác hòa giải trong việc xử lý các vụ việc dân sự.

Duy Danh

Có thể bạn quan tâm