TN - Đất & Người

Quá khứ hào hùng thôi thúc hiện tại mạnh mẽ tiến lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa những ngày lịch sử Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cũng là những ngày Ia Grai vinh dự, tự hào kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15-9), với nhiều hoạt động sôi nổi, những công trình, việc làm thiết thực.

Quá khứ hào hùng

Ia Grai-Chư Pah, huyện 4 trước đây án ngữ phía Tây của tỉnh. Trải theo thời gian, từ trong khói lửa chiến tranh cho đến lúc hòa bình dựng xây, đổi mới, nhìn lại thành tựu đạt được, chúng ta xiết bao tự hào về những thành tựu đạt được của huyện nhà, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của tổ chức Đảng.

 

Đường liên xã được rải nhựa. Ảnh: Đức Thụy
Đường liên xã được rải nhựa. Ảnh: Đức Thụy

Là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, khi được ánh sáng của Đảng soi rọi, đồng bào các dân tộc Ia Grai đã nhất tề đi theo Đảng, cách mạng, đồng cam cộng khổ, trải bao gian khổ khó khăn và giành thắng lợi vẻ vang. 60 năm trước, những chiến sĩ trong đội vũ trang tuyên truyền đã có mặt và bám trụ hoạt động ở đây. Phong trào phát triển dẫn đến sự thành lập của Ban Cán sự Đảng bộ huyện 4 vào ngày 15-9-1954, bước ngoặt quan trọng đối với các huyện phía Tây đường 14, 19. Được sự bổ sung của các đồng chí tình nguyện ở lại miền Nam sau năm 1954, theo sự phân công của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng huyện 4 đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng, liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng: đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống tố cộng, diệt cộng, bình định lấn chiếm đất đai; phát triển lực lượng, bảo vệ và xây dựng cơ sở cho hoạt động và bước phát triển sau này.

Trong chống Mỹ, mặc dù ở xa trung tâm lãnh đạo của tỉnh, trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, mất mát hy sinh song quân và dân huyện 4 dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng gan dạ, vượt qua gian khổ, cùng với cả nước, cả tỉnh, chiến đấu đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, tiến tới Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Khôi phục và phát triển

Anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu, tinh thần ấy tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng sau ngày đất nước thống nhất 1975. Đảng bộ và nhân dân trong huyện nhanh chóng bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản động FULRO, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tham gia giữ vững an ninh chính trị biên giới, góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Ngay trong năm 1975-khi có tên mới là huyện Chư Pah, nhân dân trong huyện đã khai hoang phục hóa 2.500 ha ruộng đất, tích cực xóa mù chữ, phát động bổ túc văn hóa cho dân, xóa bỏ tàn dư văn hóa nô dịch, quyết tâm xóa bỏ đói nghèo, củng cố niềm tin nhân dân vào Đảng, chính quyền. Huyện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn tạo cơ sở vật chất để định canh định cư, hình thành các vùng sản xuất chủ yếu, giải quyết lương thực tại chỗ. Trong năm 1976, diện tích gieo trồng của huyện đạt trên 8 ngàn ha, khởi công 3 công trường khai hoang ở Ia Châm, Ia Mơ Nông, B13, định canh định cư 316 hộ, 927 nhân khẩu, tiếp nhận dân đến làm ăn sinh sống. 2 năm sau giải phóng 1975, Chư Pah đạt những thành tích nổi bật: nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về cuộc cách mạng mới, về thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tập trung khai hoang, đẩy mạnh sản xuất lương thực, cải tạo quan hệ sản xuất cũ, thay đổi phương thức làm ăn lạc hậu dựa vào tự nhiên là chính, xây dựng cơ sở hạ tầng chế độ mới, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý kinh tế-xã hội, tự tin trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới; xây dựng hàng chục điểm định canh định cư, nông-lâm trường, xí nghiệp cà phê, cao su, chế biến gỗ; từ năm 1977-1979 toàn huyện có 94 tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc tạo ra bước chuyển biến mới về phát triển nông nghiệp trên cơ sở phân vùng quy hoạch chuyên canh, năm 1980, các nông trường Ia Blan, Ia Châm, Nông trường 705 được thành lập, có tác dụng hỗ trợ hoạt động sản xuất phát triển ở địa phương.

10 năm sau 1975, từ một huyện đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số Jrai bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, đời sống vô cùng khó khăn, hàng năm phải cứu đói hàng chục ngàn người, Ia Grai đã trở thành huyện cân đối được lương thực, làm nghĩa vụ với Nhà nước, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Thành công của công cuộc khôi phục phát triển kinh tế-xã hội có cơ sở từ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố quốc phòng-an ninh của Đảng bộ.

 

* Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân:
1. Đồng chí Rơchâm Ớt-Xã đội trưởng B5, huyện 4 (nay là xã Ia Sao, huyện Ia Grai).

2. Đồng chí A Sanh, làng Nú, xã Ia Khai.

* Toàn huyện có 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

* Đối tượng chính sách và người có công:
1. Liệt sĩ: 237 người.
2. Thương binh: 335 người.
3. Bệnh binh: 303 người (đã từ trần 12 người).
4. Người có công cách mạng: 165 người.
5. Thanh niên xung phong: 158 người (chống Mỹ: 135 người; sau năm 1975: 23 người).

* Đảng viên được tặng Huy hiệu Đảng (tính đến ngày 19-5-2014):
1. Huy hiệu 65 năm: 3 đồng chí.
2. Huy hiệu 60 năm: 8 đồng chí.
3. Huy hiệu 55 năm: 4 đồng chí.
4. Huy hiệu 50 năm: 27 đồng chí.
5. Huy hiệu 40 năm: 217 đồng chí.
6. Huy hiệu 30 năm: 346 đồng chí.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện)

Từ  năm 1985, Đảng bộ tổ chức triển khai đồng loạt ở các ban ngành, đơn vị nông-lâm trường, các xã quán triệt Nghị quyết 5/85 của Tỉnh ủy về chống FULRO, đẩy mạnh các hoạt động truy quét đánh địch, phát hiện bóc gỡ các cơ sở ngầm tiếp tế cho FULRO, trấn áp bọn phản động lẩn trốn ngoài rừng, phát động phong trào quần chúng bảo bệ an ninh Tổ quốc. Nhiệm vụ này còn tiếp tục với địa phương trong những năm 2001, 2004, 2008 và trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên, với quyết tâm ngăn chặn từ xa hoạt động chống phá, biểu tình bạo loạn, không để bị động, bất ngờ.

Trong những năm đổi mới, các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh cao su, cà phê đã thể hiện vai trò chủ đạo nền kinh tế địa phương trên cơ sở tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ, quy mô sản xuất. Và giờ đây sau gần 30 năm đổi mới, từ một huyện nghèo biên giới, đại bộ phận là bà con dân tộc thiểu số Jrai, 90% dân số không biết chữ, thường xuyên bị ốm đau bệnh tật đe dọa, đến nay Ia Grai đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (trên 14% trong những năm gần đây), nông nghiệp chuyển hướng mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh cây công nghiệp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,27 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước 17,5 triệu đồng. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 24,12%. Sự nghiệp giáo dục, y tế, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, giải quyết chế độ người có công được triển khai thường xuyên, chu đáo. Chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc...

Trên hành trình đi tới

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết XVI Đảng bộ huyện, Ia Grai xác định tiếp tục xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên với trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội. Lập lại và duy trì trật tự hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản. Đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền vì dân, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới căn bản công tác đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn  nhân lực. Nâng cao hiệu quả ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội mang tính động lực nhằm phát huy lợi thế các vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất ở nông thôn. Giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội, phát huy dân chủ gắn với thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Phát huy truyền thống, Đảng bộ Ia Grai nhất định lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích mới.

Trần Thị Thủy (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy)

Có thể bạn quan tâm