(GLO)- Quản lý, điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà được xem là mô hình phù hợp trong trạng thái bình thường mới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến trên. Tuy nhiên, số lượng F0 tăng cao những ngày qua trong khi nhân lực y tế cơ sở còn hạn chế dẫn đến quá tải.
Từ ngày 15-1-2022, TP. Pleiku triển khai thực hiện quản lý F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong gần 1 tháng qua, trong đó có cả nhân viên y tế khiến cho công tác quản lý F0 tại nhà trở nên quá tải. Đến ngày 16-3, thành phố đang quản lý, điều trị cho gần 7.000 F0 tại nhà, nhiều trạm y tế phường trở nên quá tải.
Vừa đến nhà thăm khám, hướng dẫn cách sử dụng thuốc và tự chăm sóc sức khỏe cho 1 F0, bác sĩ Huỳnh Thị Xuân Tuyết-Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ia Kring (TP. Pleiku) chia sẻ: Trạm có 7 nhân viên nhưng qua thực hiện nhiệm vụ phòng-chống Covid-19 có đến 3 người bị nhiễm bệnh. Trạm đang quản lý, điều trị tại nhà cho gần 600 F0. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, khối lượng công việc cũng tăng lên. Ngoài công tác phòng-chống dịch Covid-19, Trạm còn phải triển khai tiêm chủng và các chương trình mục tiêu quốc gia. “Nhiều tháng qua, chúng tôi không có ngày nghỉ; có ngày nhập số liệu, sổ sách, giấy tờ đến 11, 12 giờ đêm. Dù vậy, mọi người động viên nhau cố gắng, nỗ lực làm tốt nhiệm vụ”-bác sĩ Tuyết nói. Còn y sĩ Hồ Thái Sơn-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hội Phú (TP. Pleiku) thì cho biết: “Trạm có 2 cán bộ dương tính, hiện còn 4 nhân viên. Chúng tôi động viên nhau cáng đáng công việc, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
Đến ngày 16-3, huyện Chư Sê quản lý gần 1.400 F0 tại nhà. Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Hiện số F0 điều trị tại nhà nhiều, trong khi nhân lực y tế cơ sở còn hạn chế, chưa kể số nhân viên nhiễm Covid-19 dẫn đến thiếu người làm nhiệm vụ. “Hiện nay, không chỉ phòng-chống dịch mà trạm y tế các xã, thị trấn còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Trạm Y tế thị trấn có 6 nhân viên nhưng có đến 4 người nhiễm Covid-19. Trung tâm Y tế huyện phải bổ sung nhân lực hỗ trợ”.
Nhân viên y tế cơ sở đang quá tải vì vừa thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch, vừa kiêm nhiệm nhiều công tác khác. Ảnh: Như Nguyện |
Y sĩ Trần Tấn Thanh-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cho hay: “Ngoài nhiệm vụ phòng-chống dịch, khám sàng lọc, test nhanh Covid-19 hàng ngày cho người dân thì chúng tôi còn quản lý, điều trị cho gần 100 F0 tại 12 thôn, làng. Bên cạnh đó, Trạm còn khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiêm chủng mở rộng và các chương trình khác. Trạm có 6 nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ; hiện 1 nhân viên đang nghỉ sinh. Việc nhiều, nhân lực mỏng nên bị quá tải mà chưa có hướng xử lý”.
Thị xã An Khê cũng là một trong những “điểm nóng” về dịch Covid-19. Mỗi trạm y tế xã, phường trên địa bàn quản lý, điều trị từ vài chục đến trên 100 F0 tại nhà; trong đó nhiều nhất là phường Tây Sơn và phường An Phú. Bác sĩ Hà Thị Thanh Tuyết-Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Sơn-thông tin: “Trạm đang quản lý, điều trị tại nhà cho gần 200 F0. Thời gian gần đây, dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi thường xuyên làm thêm giờ, không có ngày nghỉ. Do F0 điều trị tại nhà tăng nên Trung tâm Y tế thị xã đã tăng cường thêm 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng để hỗ trợ Trạm phòng-chống dịch nói riêng, khám-chữa bệnh nói chung”.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, tính đến ngày 16-3, số người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà lên đến trên 43.000 người. Dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, bởi số người mắc Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa xác định được đỉnh dịch. Số F0 tăng, hệ thống y tế cơ sở vừa là tuyến đầu, vừa là nòng cốt phòng-chống dịch, trong khi nhân lực thiếu trầm trọng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-cho biết: Trung bình 1 trạm y tế có 5-6 nhân viên nhưng đảm nhiệm nhiều việc cùng lúc như: tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, các bệnh không lây nhiễm và nhiều chương trình khác. Để phòng-chống dịch Covid-19 hiệu quả và thực hiện tốt công tác quản lý F0 tại nhà, bên cạnh lực lượng y tế cơ sở cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để thành lập tổ y tế lưu động chăm sóc, hỗ trợ F0 tại nhà, ngoài lực lượng y tế là nòng cốt thì cần huy động thêm các ban, ngành, đoàn thể tham gia hỗ trợ.
NHƯ NGUYỆN