Pháp luật

Tin tức

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Cần phải mạnh tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là một khâu quan trọng trong công tác phòng-chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng như bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Giết mổ tràn lan
Gia Lai có 254 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhưng Chi cục Thú y mới chỉ cấp giấy chứng nhận cho 3 cơ sở giết mổ ở Đức Cơ, Đak Đoa và tại TP. Pleiku, 251 điểm giết mổ còn lại hoạt động tự phát không theo quy hoạch và kiểm tra giám sát của cơ quan chuyên môn. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, trong năm 2010 và 4 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm chỉ đạt 12%. Các lò mổ gia súc, gia cầm lậu vẫn hoạt động rải rác trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ảnh: Nguyễn Giác
Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, dù có nhiều cố gắng nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp giết mổ trái phép, bày bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, đặc biệt là ở các chợ tạm, vỉa hè và các vùng nông thôn. Ngoài nguyên nhân buông lỏng quản lý, không xây dựng quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, còn do sự lơ là, đùn đẩy trách nhiệm giữa chính quyền và cơ quan chuyên môn. Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở, điểm giết mổ.
Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì luôn tìm cách đối phó bằng những thủ thuật tinh vi, khó kiểm soát như tổ chức giết mổ vào nửa đêm, phi tang ngay vật chứng... để qua mặt ngành chức năng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn chấp nhận sử dụng những thực phẩm không rõ xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát, chứng nhận. Điều này vô tình đã tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ tự phát tồn tại và tự do hành nghề. Trong khi đó, những cơ sở làm ăn chân chính, có giấy phép hoạt động giết mổ lại có nguy cơ phải đóng cửa.
Hoàn chỉnh quy hoạch khu giết mổ tập trung
Chấn chỉnh việc giết mổ gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và đặc biệt là góp phần thực hiện công tác phòng-chống dịch bệnh. “Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan nếu tiếp tục kéo dài sẽ hết sức khó khăn cho công tác phòng-chống dịch bệnh, cản trở rất lớn cho các địa phương khi thực hiện công tác này”-Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định tại Hội nghị giao ban trực tuyến về thực trạng hệ thống giết mổ và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm vừa qua.
Để chấn chỉnh, trước hết cần tiến hành quy hoạch các khu vực giết mổ tập trung. Toàn tỉnh hiện còn 7/17 huyện chưa xây dựng quy hoạch dự án. Số còn lại đã có quy hoạch nhưng phần đông không thực hiện đúng quy hoạch. Các cấp chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tham gia xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch. Cơ quan chuyên môn các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý mạnh tay đối với các điểm giết mổ gia súc, gia cầm không theo quy hoạch, vi phạm quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm