Kinh tế

Quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh, các loại hóa chất nguy hiểm như xăng dầu, các loại khí công nghiệp, vật liệu nổ công nghiệp… đang được kinh doanh và sử dụng nhiều. Tuy vậy, một số cơ sở kinh doanh vẫn chưa đảm bảo an toàn, thậm chí có những hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
 

Ảnh: Lê Lan

Trên địa bàn tỉnh, hóa chất nguy hiểm đang được kinh doanh và sử dụng khá nhiều và có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất. Trong đó, lớn nhất là kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên (tại thôn Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) với sức chứa 5.200 m3; cùng với đó là 286 cửa hàng xăng dầu thuộc 172 đơn vị, doanh nghiệp đứng chân rải rác trên địa bàn tỉnh. Về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), hiện có 3 nhà máy chiết nạp LPG vào chai và 121 cửa hàng bán chai LPG. Với các loại khí công nghiệp (ôxy, nitơ, axêtylen, hyđrô,…), toàn tỉnh có 1 nhà máy sản xuất khí ôxy, 1 nhà máy sản xuất khí axêtylen, 1 nhà máy chiết nạp khí ôxy và 7 cửa hàng kinh doanh các loại khí công nghiệp. Có khoảng 35 đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, chủ yếu cho mục đích khai khoáng và thi công công trình (tuy nhiên, chỉ có 14 đơn vị đầu tư xây dựng 15 kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, với tổng sức chứa của các kho là 165 tấn). Ngoài ra, còn có 315 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học...).

Khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp đang hoạt động có liên quan đến hóa chất cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều có giấy chứng nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy và có chứng từ chứng minh nguồn gốc của hóa chất đang sử dụng, lưu giữ đầy đủ các phiếu an toàn hóa chất nguy hiểm đang sử dụng tại doanh nghiệp, có cán bộ chuyên môn quản lý an toàn hóa chất tại doanh nghiệp và công tác tập huấn an toàn lao động cho những người làm việc trực tiếp với hóa chất.

Song vẫn còn những hạn chế như một số doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm đến. Đa số các doanh nghiệp đều ít để ý đến việc cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất, chưa chú trọng đến nhãn mác và việc sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí kho chưa ngăn nắp; một số đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp, chưa lập biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất… Đặc biệt, một số đơn vị kinh doanh để hóa chất rơi vãi tại khu sản xuất. Đây là hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng con người.

Để khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại, thiết nghĩ cần phải tăng cường hơn nữa việc chấp hành nghiêm túc các quy định về hóa chất. Ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phổ biến pháp luật đối với các hoạt động hóa chất để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn hóa chất của các doanh nghiệp thì bản thân các doanh nghiệp phải lập biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo những người làm việc liên quan đến hóa chất. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm trong lĩnh vực hoạt động hóa chất theo Nghị định số 163/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp. Đây cũng chính là nội dung Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm