Trong lần thứ 2 đến với Việt Nam, người đứng đầu Nvidia nhận xét: “Việt Nam có văn hóa phong phú, con người xinh đẹp, ẩm thực tuyệt vời”.
Cùng với lễ ký thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia trong việc hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam, sự kiện còn thành công trong quảng bá văn hóa-“sức mạnh mềm” quốc gia.
Trước đó, trong tour ẩm thực tại Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, ông Jensen Huang đã thưởng thức món phở, ốc và uống bia. Truyền thông quốc tế khi đó thông tin rầm rộ về sự xuất hiện của CEO tập đoàn ngàn tỷ USD tại đất nước hình chữ S, dự báo giúp tăng lượng khách du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế.
Không chỉ là nỗ lực từ Chính phủ, mỗi người dân khi nuôi dưỡng ý thức về lòng tự tôn dân tộc, tự hào bản sắc thì đều có thể góp sức cho chiến lược văn hóa đối ngoại của đất nước theo cách riêng. Khi tiếng đàn t’rưng, k’ní, klek klok của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cất lên ở Anh, Úc, Phần Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông… nhiều khán giả không khỏi trầm trồ, thán phục bản sắc văn hóa nghệ thuật Jrai độc đáo.
Hẳn nhiều người mong một lần đặt chân đến Việt Nam, đến quê hương của những tiếng đàn cất lên từ tre nứa để tìm hiểu nền văn hóa nguyên sơ. Một số du khách Nhật, Ý khi đến Gia Lai cũng được giới thiệu và tìm gặp nghệ nhân tài hoa này để học cách chế tác nhạc cụ truyền thống.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026, Gia Lai đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh của mình đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Đầu tiên là việc phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk (Nga) thực hiện khai quật khảo cổ tại thị xã An Khê.
Kết quả là một phát hiện chấn động giới khảo cổ thế giới với hàng ngàn hiện vật đá, hàng trăm mảnh thiên thạch và 4 rìu tay, được Viện Hàn lâm Khoa học Nga xác định có niên đại khoảng 800.000 năm cách ngày nay. Tiếp đó, văn hóa đa dạng, độc đáo của Gia Lai tiếp tục được biết đến thông qua việc dập, dịch thành công ký tự trên bia đá Chăm tại thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ) với sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp).
Gia Lai cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá đặc trưng văn hóa, nổi bật là Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, thu hút trên 120 ngàn lượt khách, trong đó có khách du lịch đến từ nhiều nước trên thế giới. Sự kiện này khiến nhiều quốc gia biết đến Việt Nam và Gia Lai với điểm nhấn quan trọng là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh.
Với các nước trong khu vực, Gia Lai cũng đã làm tốt công tác văn hóa đối ngoại thông qua các sự kiện như: “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” năm 2022; Lễ hội âm thanh thế giới tại Hàn Quốc năm 2023.
Mặt khác, nhiều năm nay, các đoàn nghệ nhân của tỉnh duy trì tham gia sinh hoạt cộng đồng tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Rồi từ năm 2020 đến tháng 10-2024, hội viên Chi hội Nhiếp ảnh (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cũng có những cống hiến đáng nể khi đạt tổng cộng 283 giải thưởng trong nước và quốc tế (từ cấp khu vực trở lên), qua đó giới thiệu về miền đất, con người Gia Lai đến bạn bè quốc tế.
Ở lĩnh vực văn học dân gian, các tập truyện cổ dân gian Jrai do Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) sưu tầm, biên soạn trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” cũng cho thấy nỗ lực triển khai văn hóa đối ngoại.
Các tập truyện “Sự tích Kon Jrang”, “Huyền thoại Vua Lửa”, “Sự tích Kông Kah King” và “Sự tích Chư Đang Ya” ngoài được biên soạn song ngữ Việt-Jrai với tranh minh họa đẹp mắt còn có thêm nhan đề tiếng Anh trên bìa. Sau mỗi tập sách đều có phần tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh nhằm giúp du khách quốc tế khi đến Gia Lai tìm thấy những kiến giải lý thú về các địa danh nổi tiếng nơi đây.
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh trong thời gian tới không gì khác hơn và hiệu quả hơn là thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có vấn đề đối ngoại văn hóa nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Và bởi con người là nhân tố quan trọng nhất trong mọi sách lược nên việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thực hiện nhiệm vụ văn hóa đối ngoại cũng cần được chú trọng.
Từ chỗ hiểu rõ lợi thế, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại, một địa phương nói riêng, một quốc gia nói chung có cơ hội tăng cường nội lực và sức mạnh tổng hợp để đi tới.