Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Quảng Nam: Dân khổ vì trồng nhầm giống dưa hấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 1 tháng qua, khi vụ dưa hấu ở nhiều huyện trong tỉnh Quảng Nam đến mùa thu hoạch rộ, nông dân nhiều nơi phấn khởi vì giá dưa cao. Tuy vậy hàng trăm hộ trồng dưa ở huyện Điện Bàn lại rơi vào cảnh khốn khó vì chọn… nhầm giống.

Đang đứng tần ngần trước ruộng dưa đang thời kỳ thu hoạch, anh Trần Cảnh Nam (thôn Khúc Lũy, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) buồn rầu cho biết, gia đình anh đầu tư 20 triệu đồng để trồng 10 sào (1 sào = 500m² - PV) dưa hấu giống Trang Nông. Khi dưa lên xanh tốt, cả gia đình mừng thầm trong bụng vì dưa được mùa, trong khi giá dưa lại cao ngất ngưỡng: 7.000 đồng/kg.

Thế nhưng, khi bắt đầu thu hoạch những ruộng dưa đầu tiên, tiểu thương đến tận ruộng để thu mua và cho biết dưa này không mua được vì… khác giống thì cả gia đình anh “té ngửa”, chẳng muốn thu hoạch nữa. “Tui ước tính mỗi sào thu được hơn 1 tấn, nếu bán với giá 7.000 đồng/kg như hiện nay thì tui thu được ít nhất 70 triệu đồng. Ai ngờ…”- anh Nam buồn rầu cho biết.

Ông Tăng Lộc (thôn Đồng Thạnh xã Điện Minh) rầu lòng bên 12 sào dưa TN 1050 không bán được.
Ông Tăng Lộc (thôn Đồng Thạnh xã Điện Minh) rầu lòng bên 12 sào dưa TN 1050 không bán được.
Cùng cảnh ngộ với anh Nam còn có hàng trăm hộ trồng dưa ở Điện Bàn cũng điêu đứng vì trồng nhầm giống.


Ông Tăng Lộc (thôn Đồng Thạnh, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) chỉ tay về ruộng dưa rộng 12ha đầy quả rầu rĩ: “Mấy năm rồi, giống dưa hấu Trang Nông TN12 rất được ưa chuộng vì năng suất cao và được giá. Nhưng năm nay, khi vào vụ, tui đi mua giống Trang Nông TN12 về trồng nhưng giống này hết sạch. Nghe người ta bảo giống Trang Nông 1050 cũng cho năng suất, chất lượng quả và giá thành mua như giống Trang Nông TN12 nên tui mua giống này về trồng. Ban đầu rất vui vì dưa phát triển tốt, cho quả nhiều nhưng không ngờ đến khi thu hoạch, bán chẳng ai mua”.

Khi hỏi tiểu thương vì sao không thu mua dưa hấu trồng từ giống Trang Nông 1050, tiểu thương cho biết dưa trồng từ giống Trang Nông 1050 không thể xuất khẩu qua Trung Quốc vì họ không chuộng. Trong khi đó, tại các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam như Đại Lộc, Duy Xuyên nhờ trồng đúng giống dưa Trang Nông TN12 nên tiểu thương tranh giành nhau ra tận ruộng thu mua với giá cao. Còn dưa trồng từ giống Trang Nông 1050 ở Điện Bàn chẳng ai muốn mua.

Để vớt vác đồng vốn, nhiều người dân trồng dưa ở Điện Bàn phải chở đi bán lẻ tại các địa phương lân cận. Nhưng cho dù bán lẻ vớt vốn nhưng người dân vẫn lỗ ít nhất 500.000 đồng/sào, chưa tính đến công chăm sóc hàng mấy tháng trời.

Trước chuyện “nhầm giống”, để… cứu dưa, nhiều người dân trồng dưa ở xã Điện Minh viết đơn gửi Công ty TNHH Trang Nông (trụ sở tại TPHCM) và các cơ quan chức năng yêu cầu chứng thực nguồn gốc và kiểm nghiệm chất lượng giống dưa Trang Nông 1050 để tìm lối thoát cho quả dưa. Nhưng xem ra, việc này khó mang lại kết quả vì thị trường quyết định “số phận” quả dưa Trang Nông 1050 chứ không phải là cơ quan chức năng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Như Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Điện Bàn, xác nhận việc “tréo ngoe” của người trồng dưa ở huyện. Tuy nhiên, theo ông Hồng, người dân đã trồng giống dưa gì vẫn chưa xác định được vì người dân mua giống dưa ở các cửa hàng và không còn lưu giữ bao bì.

Vì vậy, Phòng NN-PTNT huyện Điện Bàn đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam nhờ gửi mẫu dưa đến Trung tâm Bảo vệ thực vật khu vực miền Trung (đóng tại Quảng Ngãi) để xác định chính xác là giống dưa gì mới có thể can thiệp được. Lý do loại dưa này không được thị trường ưa chuộng, theo ông Hồng, do dưa bị méo và bạc màu.

Đã nhiều năm qua, người trồng dưa ở Quảng Nam luôn rơi vào tình cảnh: được mùa- mất giá, được giá- mất mùa, nay lại thêm… nhầm giống khiến người dân khốn khổ.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm