"Quốc hội là một trường học lớn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn bà Rơ Com Sa Duyên-đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh Gia Lai  về những kinh nghiệm trong hoạt động của đại biểu Quốc hội.

- Bà có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi lần đầu tiên trở thành đại biểu Quốc hội?

Bà Rơ Com Sa Duyên: Được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XII là niềm vinh dự cho tôi nhưng cũng đầy những băn khoăn và lo lắng bởi trọng trách vừa là đại biểu đại diện cho cử tri tỉnh nhà, cho ngành mình và cho giới mình nói riêng, đồng thời cũng đại diện cho cử tri của cả nước. 

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XII giám sát tại TP. Pleiku. Ảnh: N.D

Ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, tôi đã gặp không ít khó khăn. Đối với nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của một đại biểu Quốc hội, bản thân cũng chưa rõ và rất lo lắng không biết mình phải thực hiện nhiệm vụ này như thế nào? Trong đầu lúc nào cũng vang lên câu hỏi: Phải bắt đầu từ đâu, chuẩn bị nội dung phát biểu ra làm sao? Việc tiếp cận thông tin, thu thập thông tin và xử lý thông tin thì còn rất mơ hồ, chưa hình dung cách thức ra sao...

Lần đầu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, tôi cảm thấy rất bối rối. Khi tham gia cùng với đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, tôi rất muốn hỏi một vấn đề về thực hiện nội dung của Chương trình 134 hay 135 nhưng lại ngại không dám đặt vấn đề vì lúc đó chưa biết cách thức của một quy trình giám sát, cách đặt vấn đề như thế nào, nắm bắt thông tin về lĩnh vực giám sát chưa được đầy đủ, đôi khi sợ đụng chạm đến các vị lãnh đạo của một số ngành hay tại địa phương nơi mình ứng cử...

- Qua một nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, bà đã rút ra những vấn đề gì?

Bà Rơ Com Sa Duyên: Một nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội khóa XII đã giúp cho tôi học được nhiều điều, như: cách giao tiếp, cách ứng xử, biết lắng nghe, biết cách tiếp thu và xử lý kiến nghị của cử tri để vận dụng vào thực tế hoạt động của đại biểu và công tác chuyên môn của mình cho phù hợp hơn. Từ đó giúp tôi mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn trong việc bày tỏ ý kiến phát biểu. Tôi cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn, khẳng định được năng lực và sự tự tin trong quá trình hoạt động của đại biểu để góp phần tham gia hoạch định những chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, đúng đắn hơn.   

Qua các buổi  tiếp xúc cử tri, qua việc thực hiện chức năng giám sát tại địa phương và tham gia cùng đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; qua nghe và nghiên cứu báo cáo của các bộ, ngành trên nhiều lĩnh vực, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, các chuyên gia tại cuộc họp tổ, tại hội trường, cùng với phiên chất vấn các bộ trưởng, tôi đã tiếp thu được những kiến thức thật quý báu. Những kiến thức đó vừa là cẩm nang, vừa là hành trang cho bản thân tôi. Việc xây dựng và hoạch định những chính sách của đất nước vừa mang tính đa dạng và phong phú bao trùm toàn bộ đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội... đồng thời mang tính thực tiễn rất sâu sắc, đòi hỏi người đại biểu phải có một kiến thức cơ bản trên các lĩnh vực, nhưng chuyên sâu một lĩnh vực, từ đó mới có những đánh giá, nhìn nhận bao quát để đi đến quyết định đúng hơn.

Tôi cảm nhận Quốc hội là một trường học lớn, đã giúp cho tôi trong việc học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, là những cẩm nang, cũng là những hành trang rất quan trọng cho bản thân tôi trong quá trình tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa XII, cũng như trong công tác chuyên môn của tôi tại địa phương.

- Theo bà, để hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình, người đại biểu Quốc hội cần làm gì?

Bà Rơ Com Sa Duyên: Theo tôi, người đại biểu Quốc hội phải luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, gương mẫu chấp hành pháp luật, liên hệ thường xuyên với cử tri để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và phản ánh kịp thời lên các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tâm huyết và nhiệt tình, không ngại khó, không ngại va chạm, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Thường xuyên nghiên cứu, bám sát các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có ý thức nỗ lực phấn đấu rèn luyện, thường xuyên học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực và kỹ năng hoạt động của đại biểu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Dung (thực hiện)