Tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 thảo luận về tình hình căng thẳng tại biển Đông trong những ngày vừa qua.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên. Diễn ra trong bối cảnh nền hòa bình và an ninh của đất nước đang bị đe dọa, Quốc hội đã thể hiện quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội cũng dành thời gian cho công tác lập pháp và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp, vấn đề biển Đông với sự an nguy của đất nước đã được đề cập một cách thẳng thắn trong phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong báo cáo của Chính phủ và trong Bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Người dân nhìn thấy trong đó một thông điệp, một thái độ kiên quyết. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ-những thứ thiêng liêng mà bao thế hệ người Việt Nam đã phải đánh đổi bằng xương, bằng máu. Thái độ kiên quyết ấy cũng nhận được sự đồng lòng, chung sức của hàng triệu triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước thông qua bản kiến nghị của cử tri gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cũng vì những diễn biến phức tạp liên quan đến chủ quyền quốc gia, tại kỳ họp này, Quốc hội đã bổ sung vào chương trình nghị sự phần thảo luận về tình hình biển Đông cũng như quan điểm và thái độ ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề này. Phần thảo luận diễn ra ngay sau khi các đại biểu nắm được những diễn biến mới nhất về tình hình biển Đông và việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày. Điều đó đã thể hiện trách nhiệm cao của Quốc hội trước vấn đề nghiêm trọng nhất của đất nước hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên nhận xét: “Tôi cho rằng, việc Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông, thảo luận về tình hình biển Đông là một quyết định đầy trách nhiệm trước cử tri cả nước bởi vì thông qua đó, Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách về đối ngoại và đối nội phù hợp với tình hình đất nước hiện nay và Quốc hội sẽ kêu gọi toàn dân thể hiện tinh thần yêu nước của mình một cách có trách nhiệm”.
Với trọng tâm là công tác lập pháp, trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã xem xét và thảo luận nhiều dự án luật quan trọng. Trong đó có những dự án luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013 như Dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi), Dự án Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); có Dự án luật liên quan sát sườn đến quyền lợi của người dân như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Dự án Luật nhà ở sửa đổi…
Đặc biệt, khi thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014, nhiều đại biểu cho rằng, cần sớm xây dựng Luật biểu tình, tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm của mình, tránh tình trạng đáng tiếc như đã xảy ra ở Hà Tĩnh và Bình Dương… Tuy nhiên, quan điểm này cũng chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các đại biểu.
Dù là kỳ họp giữa năm với trọng tâm là công tác lập pháp, nhưng những giải pháp cho phát triển kinh tế-xã hội những tháng còn lại của năm nay cũng được các đại biểu xem xét một cách kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh có những yếu tố bất lợi liên quan đến tình hình biển Đông.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế trong nước đã có dấu hiệu phục hồi. GDP quý I tăng gần 5%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao, hơn 5.800 doanh nghiệp trở lại hoạt động…Tuy nhiên, đà phục hồi của nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cùng với 7 nhóm giải pháp của Chính phủ cho phát triển kinh tế-xã hội những tháng còn lại của năm nay, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến khả năng tăng tổng cầu nội địa, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào nông nghiệp nông thôn.
Đại biểu Phạm Quang Khải, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, chúng ta phải lường hết những yếu tố bất lợi do tình hình biển Đông: “Những vấn đề nảy sinh sắp tới sẽ rất khó lường do căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là về kinh tế. Theo tôi, từ giờ đến cuối năm 2014, kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập mà chúng ta phải lường trước, phải đưa ra kế hoạch để đối mặt”.
Tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các đại biểu cũng thể hiện sự nhất trí đối với các giải pháp của Chính phủ về tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế.
Theo VOV