Quy hoạch sát thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là địa phương được tỉnh chọn thí điểm xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 1997, Huyện ủy Chư Prông đã có Nghị quyết 03 về “Xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa”. Nhiều mục tiêu đã được triển khai như: Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống chính trị; bảo đảm quốc phòng-an ninh theo hướng hiện đại hóa…

Một góc của khu trung tâm xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Q.N
Một góc của khu trung tâm xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Q.N
Trước hết, đó là công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch của huyện Chư Prông. Ngay từ năm 1997, thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy, UBND huyện đã có đề án quy hoạch cụ thể cho từng ngành, từng xã, từng cụm dân cư. Và huyện coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. So sánh với nhiều địa phương khác trong tỉnh thì Chư Prông có quy hoạch và thực hiện quy hoạch tương đối bài bản. Các cụm dân cư được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với phát triển kinh tế của huyện, của tỉnh, thuận tiện cho việc xây dựng, phát triển giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm... Nhờ kiên quyết sắp xếp dân cư và thực hiện quy hoạch có khoa học nên tất cả khu trung tâm các xã đều có quỹ đất phù hợp, đáp ứng cho xây dựng cơ sở hạ tầng như: Trường, trạm, chợ, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao... Các làng đều có quỹ đất và được cấp một phần kinh phí xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi.


Huyện đã bố trí dân cư phải theo nguyên tắc: Tạo điều kiện cho kinh tế hộ mở rộng và phát triển sản xuất; gắn kinh tế hộ với vùng chuyên canh tập trung sản xuất. Cụ thể, bên cạnh phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn hộ, bố trí cây trồng hợp lý cho từng vùng, từng tiểu vùng sản xuất chuyên canh (trồng cao su tiểu điền, cà phê…) nhằm tạo sản phẩm hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nếu năm 1997 sản xuất còn rời rạc manh mún thì đến năm 2010 diện tích các loại cây trồng, nhất là cây hàng hóa có giá trị cao đều tăng gấp đôi: Diện tích cao su hiện có 23.200 ha; cà phê trên 12.500 ha, tiêu gần 1.000 ha… cùng các loại cây trồng khác, đưa diện tích sản xuất lên 56.607 ha, tăng 16.138 ha so với năm 2005. Đây thật sự là một chuyển biến lớn trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Trao đổi về kinh nghiệm phát triển NTM, các đồng chí lãnh đạo huyện cho rằng, cần có quy hoạch đúng, kịp thời thì mới mở ra cơ hội cho đầu tư và mời gọi đầu tư, cũng như huy động được nguồn lực trong dân để tái đầu tư. Chỉ tính từ năm 2006-2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của huyện đã đạt mức 5.460 tỷ đồng, trong đó vốn trong dân đạt trên 2.130 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách từ 22,7 tỷ đồng năm 2005 lên 72 tỷ đồng năm 2010. Nếu năm 1997 huyện có đến 81% hộ thuộc diện đói nghèo thì đến năm 2005 tỷ lệ này là 39,5% và năm 2010 chỉ còn 13%. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên dưới 11 triệu đồng/người/năm. 100% các xã, thị trấn có đường ô tô đến các làng, xã. Hệ thống giáo dục phát triển rộng khắp, cứ 4 người dân có 1 người đi học. Huyện được công nhận đã phổ cập THCS. An ninh nông thôn có chuyển biến tích cực.

Đồng chí Nguyễn Anh Văn-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Kết quả đạt được là bước đầu với sự nỗ lực không ngừng. Nếu so với 19 tiêu chí của Chính phủ về NTM thì xã cao nhất đạt được 36,8% (Ia Phìn đạt 7 tiêu chí); xã ít nhất chỉ đạt 5,6% (Ia Púch, Ia Lâu đạt 1 tiêu chí). Theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực, điều cần rút ra từ bài học ở Chư Prông là khi xây dựng đề án quy hoạch cần thật khoa học, sát với từng làng, xã. Địa phương có kế hoạch, có chương trình hành động và giải pháp cụ thể. Đặc biệt phải phát huy tinh thần dân chủ: Dân biết, dân bàn, dân thực hiện và phải triển khai đồng bộ. Muốn vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền và được sự đồng tình của nhân dân. Một yếu tố  quan trọng không thể thiếu, là phải tăng cường sự lãnh đạo và đôn đốc, giám sát của cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở. Kịp thời biểu dương khen thưởng cũng như phê bình đối với tập thể, cá nhân.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm