Kinh tế

Quy hoạch sử dụng đất- Vấn đề cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tổng số 1.553.693 ha đất tự nhiên của tỉnh Gia Lai thì diện tích đất nông nghiệp chiếm 88,43%, còn lại đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Từ năm 2005 đến nay, có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã được thành lập mới. Bên cạnh đó, việc tăng dân số và mở rộng đô thị kéo theo sự biến động diện tích đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chuyên dùng và chưa sử dụng rất lớn. So với năm 1995, tổng diện tích đất phi nông nghiệp tăng gần 17.266 ha đất chưa sử dụng giảm 312.348 ha. Đặc biệt, đất sản xuất nông nghiệp tăng gần 265.040 ha, trong khi đất trồng lúa lại giảm gần 54.750 ha do chuyển sang làm hồ chứa nước công trình thủy lợi, thủy điện, kênh mương nội đồng và một số mục đích khác.
Kiểm tra bản đồ quy hoạch địa chính. Ảnh: Đức Thụy
Sự biến động nêu trên đã kéo theo việc quy hoạch, quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát thực tế của cơ quan quản lý đất cho thấy, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của tỉnh những năm gần đây, khiến đất đai trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, làm nảy sinh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất giữa các tổ chức với cộng đồng dân cư, giữa cá nhân với cá nhân. Trong khi đó, hệ thống hồ sơ địa chính và hồ sơ dữ liệu quản lý đất đai tại các đơn vị hành chính của tỉnh chưa được củng cố, hoàn thiện. Đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị hành chính của tỉnh chưa xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đất đai hoàn chỉnh phục vụ cho công tác quản lý đất. Việc quy hoạch sử dụng cụ thể cho từng loại đất thuộc sự quản lý cấp mình, mới có huyện Kbang thực hiện và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, sự thay đổi địa giới hành chính trong thời gian qua dẫn đến tình trạng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp trước đây không còn phù hợp với thực tế; hồ sơ địa chính, bản đồ được lập thủ công, không được lưu giữ cẩn thận nên khi chia tách, sáp nhập giữa các đơn vị hành chính không được bàn giao cụ thể, phần bị rách nát và thất lạc cũng tạo nhiều khó khăn trong công tác quản lý sử dụng đất. Ngay cả việc quản lý đất đai bằng GCNQSDĐ mặc dù đã được các cấp chính quyền chú trọng thực hiện, nhưng kết quả đạt thấp. Tổng hợp của cơ quan quản lý, hiện tại toàn tỉnh mới cấp được 307.896 GCNQSDĐ trên tổng số 3.564.032 giấy cần cấp, đạt tỷ lệ 8%.
Có nhiều nguyên nhân lý giải về những hạn chế trong việc cấp GCNQSDĐ. Thực trạng xâm canh của các hộ dân nội tỉnh, hơn 4.000 hộ dân di cư tự do đến địa bàn 12 huyện của tỉnh, trong những năm gần đây, dẫn đến tình trạng xâm chiếm đất mà đến nay cơ quan quản lý chưa thống kê diện tích đất bị xâm chiếm là bao nhiêu. Tiếp đến, diện tích đất đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng phần lớn không có giấy tờ theo luật thừa kế, đất mua bán trao tay chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác thực… GCNQSDĐ cấp chưa nhiều, nhưng thực tế biến động đất thường xuyên chiếm đến 40% quỹ đất. Trong khi đó, bản đồ phục vụ công tác quản lý đất và cấp GCNQSDĐ hiện tại được thiết lập theo tinh thần Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng, đăng ký thống kê đất đai không còn phù hợp; diện tích đo vẽ trên bản đồ chính quy còn rất ít..., nên các cấp quản lý không kịp chỉnh lý bản đồ hiện trạng và cập nhật, điều chỉnh tình trạng sử dụng đất theo thực tế.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2015 của tỉnh. Theo đó, việc lập quy hoạch sử dụng đất được triển khai đồng bộ giữa 3 cấp. Quá trình lập quy hoạch sử dụng đất tập trung  xác định diện tích đất các loại được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Việc xác định diện tích đất các loại để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Xác lập diện tích đất chuyển mục đích sử dụng phải xin phép cơ quan có thẩm quyền, xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất và giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất 3 cấp. Sự hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 là công cụ để thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; đồng thời là cơ sở thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.      
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm