(GLO)- L.T.S: Ngày 12-11-2013, Việt Nam chính thức là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Từ nhiều thập kỷ qua, Việt Nam có rất nhiều nỗ lực trên mọi lĩnh vực để thúc đẩy các quyền con người. Tại Hội nghị cấp cao khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 3 đến 6-3-2014, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu nêu bật những kết quả tích cực về phổ cập giáo dục, bình đẳng giới, nâng cao chỉ số phát triển con người, quyền tự do tín ngưỡng… mà Việt Nam đạt được. Dưới đây là ý kiến chia sẻ xung quanh vấn đề này.
* Ông NGUYỄN XUÂN LONG-Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Gia Lai:
Quyền tự do kinh doanh luôn được đảm bảo
Dưới góc độ pháp lý, Nhà nước ta luôn đảm bảo quyền và lợi ích cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Các chủ thể kinh doanh được quyền lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực và tự lựa chọn loại hình kinh doanh. Cụ thể nhất là những quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 đang có hiệu lực thi hành. Việc tự do hoạt động sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm là cơ sở góp phần tạo việc làm, thu nhập và làm giàu chính đáng của mọi người trong xã hội. Điều này khẳng định một hình ảnh nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn hướng đến một môi trường kinh doanh lành mạnh phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhiều năm trở lại đây, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ngay từ khi thành lập đến tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, ngược lại người dân cũng có quyền giám sát các hoạt động của cơ quan quản lý.
Đối với doanh nghiệp chúng tôi, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi trong việc nắm bắt cơ hội đẩy mạnh đầu tư kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chung tay với chính quyền các cấp làm công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, thực hiện đầy đủ các chính sách cho người lao động, tham gia các hoạt động từ thiện, góp phần giảm nghèo…
*Luật sư NGUYỄN DUY NGỌC-Trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Phú:
Khẳng định và bảo đảm thúc đẩy các quyền con người
Quyền con người được hiến định ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1946 sau đó tiếp tục được hiến định ngày càng rõ hơn qua các bản hiến pháp tiếp theo và các đạo luật khác.
Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Dân sự hiện hành cũng quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của công dân; quyền của luật sư được tham gia từ giai đoạn khởi tố bị can để điều tra vụ án; quyền của luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại; đại diện của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.
Hiến pháp 2013 có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014. Đạo luật này một lần nữa khẳng định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân ngay tại chương II với 36 điều. Trước đây, Hiến pháp 1992 quy định quyền và nghĩa vụ công dân được hiến định tại chương V với 34 điều thì nay Hiến pháp 2013 được bố cục qua chương II điều này một lần nữa khẳng định rõ chính thể nhà nước ta đề cao về quyền con người. Thực tế, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhằm góp phần bình đẳng giới mà thể hiện rõ qua Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ-Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng qua Pháp lệnh Tín ngưỡng và các văn bản có liên quan; quyền tự do ngôn luận thông qua Luật Báo chí, quyền được học tập qua Luật Giáo dục… Ngoài ra, chính quyền các cấp luôn quan tâm chăm sóc đến người già, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật thông qua nhiều chương trình, dự án xã hội. Đó là chính sách nhất quán của Việt Nam về quyền con người.
* Ông NGUYỄN DŨNG-thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku:
Quyền lợi lao động, sản xuất của nông dân được bảo vệ
Là một nông dân nên tôi hiểu quyền con người như sau: Nơi tôi sinh sống an ninh trật tự ngày càng được đảm bảo, người dân trên địa bàn dễ dàng đi lại bất cứ giờ nào; tài sản chính đáng do mình làm ra được xã hội thừa nhận và luôn được chính quyền bảo vệ. Nông dân làm ra sản phẩm dễ dàng mua bán không phải bị chèn ép và có quyền quyết định bán cho ai, bán chỗ nào mà không bị một rào cản nào. Ngoài ra, cán bộ còn xuống tận địa phương hướng dẫn kỹ thuật canh tác sao cho hiệu quả. Nông dân nếu gặp khó khăn thì có chính sách hỗ trợ vốn làm ăn… Như vậy, quyền lợi thiết thực gắn liền với nhà nông luôn được chia sẻ, bảo vệ đó chính là quyền được sống, được lao động sản xuất và được bảo vệ.
Lê Văn Nhung (thực hiện)