Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ra mắt "Lời tựa một tình yêu" - Bản tình ca lãng mạn thời chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2016), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật phối hợp với Công ty cổ phần Sách Thái Hà tổ chức xuất bản, phát hành cuốn Lời tựa một tình yêu của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
 

Cuốn sách dày gần 250 trang, gồm 12 chương.
Cuốn sách dày gần 250 trang, gồm 12 chương.

Lời tựa một tình yêu là một tác phẩm cảm động, chân thực, sâu sắc viết về tình yêu thủy chung son sắt của người tử tù lừng danh Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Họ đến với nhau trong bão táp cách mạng. Kể từ lúc ngỏ lời cho đến lúc hội ngộ, hạnh phúc trong lễ cưới sau ngày đất nước toàn thắng là 15 năm xa cách, đầy giông tố, thử thách và hy sinh. Họ bị giam cầm, đày đọa qua hàng chục nhà tù, riêng ông Lê Hồng Tư bị cầm tù 15 năm, trong đó trọn 13 năm ở Côn Đảo với án tử hình. Và hiện tại, họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau và tiếp tục làm đẹp cho đời.

Công bố Lời tựa một tình yêu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật mong muốn “Bản tình ca nồng thắm gắn liền với lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ, của những con người thủy chung son sắt trong tình yêu, sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất vẹn toàn của Tổ quốc... sẽ thổi bùng lên niềm tin, ngọn lửa bất diệt mà những người trẻ hôm nay lấy đó để soi rọi, tin yêu, sống và cống hiến”.

 

Lời tựa một tình yêu là tiểu thuyết về chuyện tình của người tử tù lừng danh Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu. Ảnh do nhân vật cung cấp
Lời tựa một tình yêu là tiểu thuyết về chuyện tình của người tử tù lừng danh Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Từng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam. Những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, tác giả có cơ duyên gặp và có thời gian dài làm việc với ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu. Tài liệu để tác giả “hóa thân” xây dựng nên tác phẩm này do ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trực tiếp cung cấp, kể lại và có tham khảo những tài liệu liên quan đến tình hình miền Nam và phiên toà Mỹ-Diệm xử tử hình ông Lê Hồng Tư và Lê Quang Vịnh ngày 23/5/1962 mà Trung tâm Thông tin-Tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam còn lưu giữ. Đặc biệt tác giả đã tới hơn chục nhà tù mà ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu từng bị giam giữ, trong đó có bốn chuyến trở lại Côn Đảo tới những hầm đá, chuồng cọp, lao cấm cố ông Lê Hồng Tư từng bị giam cầm tra tấn và từng vượt ngục để tìm thêm tài liệu, bổ sung, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết về tình yêu mà mình ôm ấp.

Trong lời tựa mở đầu cuốn sách, nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và là thủ trưởng trực tiếp từng nhiều lần cử tác giả vào mặt trận, chiến trường và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã viết: “Ấn tượng mạnh nhất khi đọc Lời tựa một tình yêu là sự xúc động, tin cậy, ám ảnh và ngưỡng mộ. Bản tính cẩn trọng, khách quan của một nhà báo và phẩm chất văn chương trong sự dung tưởng phong phú của một nhà văn hoà quyện trong tác phẩm với 12 chương và hơn 200 trang sách. Hoàn cảnh điển hình, tình tiết điển hình, phẩm chất và tính cách điển hình của nhân vật được kết cấu, khắc họa tinh tế bởi một giọng văn giản dị, trầm tĩnh, chan chứa lòng tin yêu cuộc sống đã khiến Lời tựa một tình yêu có sức cuốn hút và lay động mạnh mẽ lòng người. Nếu xem đây là lời tựa, thì với tôi, cũng như tên tác giả chọn đặt cho tác phẩm của mình, đây là lời tựa cho một tình yêu - tình yêu đất nước, tình yêu lý tưởng, tình yêu đôi lứa của hai chiến sĩ cộng sản với niềm tin mãnh liệt ở tương lai đã vượt qua sự xa cách đằng đẵng của cả thời gian và không gian, vượt qua những năm tháng giam cầm tra tấn của kẻ thù, vượt qua sắt thép, hiểm nguy và vượt qua cả cái chết để đến với nhau trong một mối tình thuỷ chung, trong sáng như một huyền thoại”.

 

Phóng viên Trần Mai Hạnh (ngoài cùng đang ghi chép) những ngày đầu tháng 5-1975 cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam và bà Nguyễn Thị Châu tại cửa phòng giam số 4, bốt Nguyễn Tri Phương, nơi bà Châu bị địch bắt giam, tra tấn tới trưa 29-4-1975 mới được trả tự do. Ảnh do tác giả cung cấp
Phóng viên Trần Mai Hạnh (ngoài cùng đang ghi chép) những ngày đầu tháng 5-1975 cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam và bà Nguyễn Thị Châu tại cửa phòng giam số 4, bốt Nguyễn Tri Phương, nơi bà Châu bị địch bắt giam, tra tấn tới trưa 29-4-1975 mới được trả tự do. Ảnh do tác giả cung cấp

Những bức ảnh tư liệu giá trị trong thời gian hoạt động cách mạng của ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu (1953-1975) và ảnh bà Nguyễn Thị Châu chụp với tác giả Trần Mai Hạnh trong những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng (tháng 5-1975) ngay tại cửa phòng giam số 4, bốt Nguyễn Tri Phương, nơi bà Châu bị địch bắt giam, tra tấn lần cuối tới trưa ngày 29-4-1975 mới được trả tự do, in trong phần phụ lục, đã  tôn thêm tầm tư tưởng, giá trị thuyết phục và sức lay động của tác phẩm.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm