Chiều 20-3, tại Hà Nội, Câu lạc bộ văn chương (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm "Mẫu Ỷ Lan" của tác giả Ngô Ngọc Liễn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà văn, nhà thơ của Hà Nội tham dự.
Ỷ Lan là một trong những nữ kiệt của lịch sử dân tộc, một phụ nữ nông thôn xinh đẹp, quyết đoán đã hai lần nhiếp chính trong thời kì huy hoàng nhất của triều Lý.
Nguyên phi Ỷ Lan gắn liền với sự kiện Bình Chiêm, phá Tống đánh bại cuộc xâm lược của quân thù, bảo toàn được lãnh thổ quốc gia và có quyết sách đúng đắn là dựng Nho, hưng Phật, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong tác phẩm “Mẫu Ỷ Lan”, tác giả Ngô Ngọc Liễn đã nhấn mạnh đến những nét độc lập về văn hóa của “thời đại Ỷ Lan”. Việc nghiên cứu sử sách, đi sâu khảo sát thực địa đã làm cho tác giả có cơ sở để xác định tên thật của nhân vật và quê hương của bà.
Ông cũng lý giải hiện tượng “mang thai tâm linh”, hiện tượng hoàng tử “hóa thú”. Đặc biệt tác giả đã “minh oan” cho Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ đạt đầu tiên của khoa thi Minh kinh bác học, thầy dạy của vua bị vu oan “hóa hổ” hãm hại vua…
Ông Ngô Ngọc Liễn cho biết: “Tôi đã chọn hình thức viết tiểu thuyết lịch sử, lấy chính sử làm gốc và việc nhận diện được chính sử cũng không phải dễ dàng. Còn tiểu thuyết chỉ thêm vào để dẫn dắt câu chuyện với mục tiêu để các bạn đọc trẻ hôm nay thấy được một thời kì lịch sử oanh liệt của đất nước thông qua một nhân vật gắn với nhiều sự kiện dân tộc”.
Trước khi viết tiểu thuyết, tác giả đã dày công sưu tầm, đọc và suy ngẫm 20 đơn vị sách cơ bản, trong đó có 2 tập sách của học giả Hoàng Xuân Hãn về nhân vật Lý Thường Kiệt (Lý Thường Kiệt-Lịch sử ngoại giao triều Lý) tập 1,2 xuất bản năm 1949. Các chương trong tiểu thuyết được viết ngắn gọn và mỗi chương đều có trích tóm tắt chỉnh sử chủ yếu là (Đại việt sử ký toàn thư) để bạn đọc có thể hiểu so sánh và đối chiếu.
Theo VOV