Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đak Lak đến năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 21-10-2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) tỉnh Đak Lak đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tham dự hội thảo có ông Hoàng Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
 

Ông Hoàng Trọng Hải- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bá Thăng
Ông Hoàng Trọng Hải- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bá Thăng

Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Đak Lak đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 87/2009/QĐ-TTg, ngày 17-6-2009, từ đó đến nay tình hình KT-XH của tỉnh cũng như cả nước đã có nhiều thay đổi lớn, đồng thời quy hoạch tổng thể KT-XH vùng Tây Nguyên đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 936/QĐ-TTg, ngày 18-7-2012 đặt ra nhiều vấn đề mới…

Do đó, quy hoạch được phê duyệt năm 2009 có một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của vùng và cả nước.

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt năm 2009, Hội thảo nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phát triển KT-XH tỉnh Đak Lak đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đánh giá và định vị lại thực trạng phát triển của tỉnh từ đó điều chỉnh định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các tiểu vùng lãnh thổ trong thời gian tới, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất của nền kinh tế, phù hợp với điều kiện phát triển mới; đề xuất điều chỉnh, bổ sung các giải pháp nhằm thực hiện các định hướng đặt ra đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, điều chỉnh các chương trình, dự án đầu tư trên cơ sở đảm bảo tính khả thi của nguồn lực huy động, gắn với việc lựa chọn các ưu tiên, bước đi phù hợp với lộ trình phát triển vừa đảm bảo các mục tiêu đến năm 2020, vừa chuẩn bị tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.
 

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bá Thăng
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bá Thăng

Theo đó, dự thảo báo cáo tổng hợp rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Đak Lak đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 4 phần: Phần thứ nhất là tiềm năng, lợi thế và khó khăn, hạn chế của tỉnh Đak Lak; phần thứ hai là hiện trạng phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2012 so với quy hoạch năm 2009; phần thứ ba là phương hướng phát triển KT-XH của tỉnh Đak Lak đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và phần thứ 4 là các giải pháp thực hiện quy hoạch và kiến nghị.

Cụ thể, một số kết quả được điểu chỉnh như sau: Về tốc độ tăng trưởng điều chỉnh giảm xuống giai đoạn 2011-2015 đạt  10,5%, giai đoạn 2020 là 11% (quy hoạch năm 2009 là 12% và 12,5%); về cơ cấu kinh tế đến năm 2020 nông nghiệp-dịch vụ-công nghiệp lần lượt là 31,2% - 45,4% - 23,4% (quy hoạch năm 2009 là 26%- 40% -34%); về tỷ lệ đô thị hóa điều chỉnh đến năm 2020 đạt 35% (quy hoạch năm 2009 là 45%); về thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 76 triệu đồng (quy hoạch năm 2009 là 35 triệu đồng); kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt khoảng 1.500 triệu USD (quy hoạch năm 2009 là 1.000 triệu USD); dân số điều chỉnh dự báo đến năm 2020 đạt 1,97 triệu người (quy hoạch năm 2009 là 2,3 triệu người)…

Để thực hiện được quy hoạch và tạo cho tỉnh có điều kiện phát triển nhanh theo hướng tập trung vào các trọng điểm bứt phá của quy hoạch, các đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị với Trung ương và các bộ, ngành như: ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác quy hoạch vùng, ngành; quy hoạch đô thị và điểm dân cư nông thôn.

Trong xem xét quy hoạch cũng đã đề cập đến việc kết hợp chặt chẽ quy hoạch phát triển KT-XH với đảm bảo quốc phòng-an ninh; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, ưu tiên vốn từ các công trình, dự án quốc gia để phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, xây dựng, nông thôn, thủy lợi, cơ sở vật chất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại cho ngành giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục-thể thao, phát thanh-truyền hình có quy mô cấp vùng; dành cho tỉnh những nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi dài hạn; có chính sách đầu tư đồng bộ, có hiệu quả đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vùng sâu, vùng xa…

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm