Rước họa vì tin "bác sĩ Google"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, cần thông tin gì chỉ cần tra cứu trên Google thì ngay lập tức sẽ cập nhật tất tần tật các tin tức. Ngay cả việc đau ốm, nhiều người cũng nhờ “bác sĩ Google” chẩn bệnh và tự ý điều trị theo. Hậu quả, bệnh không khỏi mà còn trở nặng, thậm chí đã có những  trường hợp đáng tiếc xảy ra vì quá tin “bác sĩ Google”.

Lợi ít hại nhiều

Vốn đã sẩy thai một lần nên lần mang thai này chị Đặng Thùy L. (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) hết sức cẩn trọng. Khi thai được 8 tuần tuổi, chị L. đi siêu âm thì bác sĩ kết luận không có tim thai, thai ngừng phát triển, chỉ định bỏ. Thất vọng và buồn bã, L. đem việc của mình tâm sự trên các diễn đàn để tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm. Trong số này, nhiều người khuyên L. chớ vội bỏ thai nên chờ thêm 1 hay 2 tuần nữa siêu âm lại nếu vẫn không có thì hẵng tính. Thậm chí có người còn gọi điện thoại vào xưng là bác sĩ tại TP. Hồ Chí Minh, đã từng chữa trị rất nhiều trường hợp tương tự. Vị này cho biết trường hợp của em chỉ cần tiêm một mũi thuốc trợ thai giá khoảng 6 triệu đồng thì bảo đảm sẽ kích thích thai tiếp tục phát triển…”.

 

Khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Ảnh: N.N

Hai vợ chồng quyết định chờ thêm 2 tuần nữa siêu âm lại nếu vẫn không có tiến triển thì bỏ. Tuy nhiên được khoảng một tuần thì L. bị đau bụng ra máu nên nhập viện theo dõi. Bác sĩ chỉ định đặt thuốc cho thai ra nếu không thì phải nạo vì để lâu trong dạ con có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Không may mắn như chị L., có trường hợp đã tử vong vì quá tin vào “bác sĩ mạng”. Bác sĩ Hà Thị Minh Nguyên-Khoa Cấp cứu (Bệnh viện TP. Pleiku) cho biết: Khoa cấp cứu Bệnh viện TP. Pleiku cũng đã tiếp nhận một số trường hợp tự điều trị và bị biến chứng phải nhập viện cấp cứu, thậm chí có trường hợp tử vong.

 

Bác sĩ Lê Thiện Thanh-Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện TP. Pleiku): “Thực tế, với các bác sĩ thì việc tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm trên các diễn đàn mạng giúp cho họ nâng cao kiến thức và tay nghề. Tuy nhiên, với các bệnh nhân thì không nên chẩn bệnh bằng “bác sĩ Google” rồi tự ý mua thuốc, vì cùng một loại bệnh tùy theo cơ địa mỗi người mà có các triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Bên cạnh đó, một số người có thể bị dị ứng với một số loại hoạt chất có trong thuốc, việc tự ý dùng thuốc không đúng bệnh, đúng liều lượng có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh”.

“Cách đây 3 năm, tôi còn nhớ có điều trị cho một bệnh nhân nữ khoảng 40 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trước đó bệnh nhân này bị táo bón, ăn uống khó tiêu nên tự tra cứu mạng và điều trị 2 tháng tại nhà. Sau 2 tháng điều trị không khỏi bệnh nhân mới nhập viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân bị thiếu máu nặng và được truyền máu. Do bệnh thuyên chuyển nặng nên bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên điều trị. Chừng 2 tháng sau thì bệnh nhân này mất”-bác sĩ Nguyên cho biết thêm.

Không nên tự ý điều trị

Cần tỉnh táo và có sự chọn lọc khi tham khảo ý kiến “bác sĩ mạng” là khuyến cáo chung của các bác sĩ chuyên khoa. Theo bác sĩ Hà Thị Minh Nguyên, tốt nhất khi có bệnh người bệnh nên đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế, không nên tra cứu Google và tự ý mua thuốc điều trị vì có thể sẽ gặp nguy hiểm. Nhất là đối với trẻ em, khi tự ý dùng liều lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép nếu nhẹ sẽ khiến trẻ nôn, rối loạn tiêu hóa, đi cầu phân nóng và nặng thì có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, thậm chí có thể tử vong…

Không chỉ tự ý điều trị theo “bác sĩ mạng”, nhiều người còn đến các hiệu thuốc mô tả bệnh của mình và nhờ dược sĩ bán thuốc, trong khi đó một số loại thuốc đòi hỏi phải có đơn của bác sĩ. Hiện nay, có tình trạng một số quầy thuốc thuê bằng dược sĩ và người đứng bán chưa hẳn là dược sĩ, vì vậy sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân gặp phải dược sĩ “dỏm”-một bác sĩ khuyến cáo.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm