TN - Đất & Người

Rường cột của làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 60 năm sống ở làng Kdùng 1, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, thì ông Uốt có hơn 20 năm “lăn lộn” với làng bằng nhiều công việc khác nhau như: làm Bí thư chi đoàn, Trưởng thôn, Hội trưởng Hội cựu chiến binh… ở lĩnh vực nào ông cũng luôn năng nổ, hoạt động cống hiến hết mình. Ông vinh dự được Công an và chính quyền địa phương chọn là người uy tín tiêu biểu dự Hội nghị người uy tín năm 2013, do Bộ Công an tổ chức vào sáng 19-10-2013, tại Gia Lai.     

Làng Kdùng 1 nằm nép mình dưới chân núi Chơ Mong, mỗi sáng sớm, khi ánh mặt trời chưa chiếu sáng nóc nhà rông, những đứa trẻ đã hồ hởi mang cặp sách đến trường, đám thanh niên í ới gọi nhau lên nương, lên rẫy, mọi người trong làng đều tất bật, chuẩn bị cho một ngày mới. Ít ai biết rằng, làng Kdùng 1 vừa trải qua những ngày dài ngột ngạt.
 

Ông Uốt cùng Thiếu tá Ksor Định-Phó trưởng Công an huyện Mang Yang tại Hội nghị người uy tín năm 2013. Ảnh: H.T

Ông Uốt vẫn nhớ như in, vào một ngày cuối tháng 8-2009, “tà đạo Hà Mòn” như một cơn gió độc len lỏi trong làng. Những ánh mắt hiền từ, hồn nhiên trong sáng của những nam thanh, nữ tú trong làng ngày nào bỗng nhiên hung dữ. Ruộng rẫy thì bỏ hoang chẳng buồn làm, cái rựa, cái cuốc hoen rỉ nằm chỏng chơ dưới sàn. Nhà nào cũng chỉ biết mót nhặt mấy củ mì, củ dong ngoài rừng, ngoài rẫy, cả tháng trời chẳng biết đến bát cơm. Thương mấy đứa trẻ phải bỏ học chỉ vì cái đầu bố mẹ nó ngu muội, suốt ngày chỉ biết nhóm họp, lý nhí với những câu chữ vô hồn, phản động của bà phù thủy Y Gin bịa đặt, hễ có người lạ vào làng là ngăn chặn, xua đuổi… đám thanh niên còn trốn vào rừng để hoạt động.

Ông Uốt lòng đau như cắt: “Hồi còn nhỏ mình được nghe các già làng kể chuyện đồng bào Bahnar mình đánh đuổi giặc Pháp, chuyện anh hùng Núp bắn thằng Pháp chảy máu và những câu chuyện dân làng mình bảo vệ, che giấu cho bộ đội cụ Hồ đánh giặc…Vậy mà giờ đây một số kẻ trong làng hoạt động tà đạo, chống Đảng, Nhà nước mình, lòng tôi không đau sao được”-ông Uốt tâm sự.  

Mặc dù tuổi cao, nhưng bước chân ông nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh. Đêm đêm, ông cùng với các trinh sát Công an bám địa bàn, đến gõ cửa từng nhà vận động, giải thích lẽ phải, vạch trần âm mưu của các đối tượng FULRO để bà con hiểu và từ bỏ tà đạo. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mọi người dân trong làng từng bước hiểu và nhận ra âm mưu phản động của “tà đạo Hà Mòn” và từ bỏ. Bên cạnh đó, ông đã khéo léo, dò xét và cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin quan trọng về hoạt động của các đối tượng cốt cán theo tà đạo. Không ít lần các đối tượng lẻn vào nhà uy hiếp, không hề nao núng, ông càng kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tà đạo đến cùng.

Âm mưu phản động của tà đạo này bị quần chúng vạch mặt, những đối tượng cầm đầu ngoan cố trốn vào rừng hoạt động, ông Uốt tiếp tục viết thư, gửi cho người thân các đối tượng để vận động. Trên mẩu giấy mỏng manh, với những dòng chữ mộc mạc, giản dị nhưng chất chứa lẽ phải và tình người ông đã vận động được 6 đối tượng cốt cán trên địa bàn thôn ra trình diện.

Trong những đứa con lầm đường, lạc lối của làng Kdùng 1, thì Phơi là đứa “cứng đầu” nhất, y hoạt động ngày càng táo tợn, manh động, cơ quan Công an đưa y vào diện phải bắt giữ khởi tố trước pháp luật, ông Uốt càng thêm lo lắng. Ông nhiều lần gửi thư mà cái bụng của Phơi vẫn không sáng được.

Ông cho biết: Một ngày đầu tháng 8-2013, Yên (vợ của Phơi) đang mang bầu, hôm đó nó đau bụng dữ lắm, 3 đứa con đang còn nhỏ, trong khi mọi người đang lo lắng cho Yên, thấy đau lòng quá, tôi về nhà đặt bút viết thư gửi cho thằng Phơi. Trong thư có đoạn viết “…Phơi, con trốn ngoài rừng được hai năm rồi, không thương làng, không thương bản thân mình, thì con phải thương lấy 3 đứa nhỏ chứ. Yên đang mang bầu thường hay bị bệnh nữa, vậy mà con bỏ mặc sao được. Tội của con nhiều lắm, nhưng hãy về làng, về với vợ, với con, hãy khai báo thành khẩn, Uốt sẽ bảo lãnh cho con sinh sống làm ăn để nuôi gia đình…”.

Phơi và nhiều đối tượng khác như những con thú hoang lầm đường lạc bước, nay đã trở về, mọi tội lỗi của chúng đã được cơ quan Công an làm rõ, bà con trong làng và chính quyền địa phương đã kiểm điểm, tha thứ, nay cuộc sống gia đình họ đã yên ấm trở lại. “Cơn gió độc Hà Mòn” đã tan biến, bình yên trở lại với dân làng nơi đây, lúc nông nhàn, hay những đêm trăng thanh ông Uốt cùng đám thanh niên lại sum vầy bên nhà rông, cất lên bài dân ca Bahnar đầy trữ tình sâu lắng. Tiếng đàn Goong của ông chất chứa âm điệu trầm bổng, vang vọng đến những nơi sâu thẳm của núi rừng.

Hữu Trường

Có thể bạn quan tâm