Phóng sự - Ký sự

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 5: Bí mật 'phi thuyền Apollo' giữa Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa thập niên 1960, tháp bêtông như phi thuyền Apollo cao vút đã xuất hiện ngay cửa ngõ phía đông Sài Gòn bên đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) và trở thành hình ảnh thân quen suốt hơn nửa thế kỷ.

“Phi thuyền Apollo” vẫn sừng sững ngay cầu Điện Biên Phủ hơn 50 năm qua - Ảnh: DIỆU QUÍ
Nhiều thế hệ trẻ thơ qua đường đã ngạc nhiên, chỉ trỏ hỏi cha mẹ "đó là cái gì?", nhưng không mấy người biết để trả lời con...
Hồi trước 1975, tụi tui coi tivi thấy Mỹ phóng phi thuyền Apollo thành công, rồi Sài Gòn xây tháp y chang nên cứ tưởng để kỷ niệm hay quảng cáo gì đó. Đâu ai biết nó là một phần của nhà máy nước.
Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG (73 tuổi, ở đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh)
Lên đỉnh "Apollo"
Một chiều tháng 10, tôi đã lân la, hỏi thử mấy vị cao niên sống quanh tháp này nhưng thông tin cũng mờ mịt. Người trả lời đó là "tháp quảng cáo", người nói là "radar bí mật của quân đội Mỹ" để lại, thậm chí có người còn đoan chắc nó mới được xây dựng sau năm 1975.
Thực tế rất ít người tận tường cột tháp như chiếc phi thuyền Apollo cao vút này chính là "chứng nhân" trải cùng bao dâu bể của Sài Gòn từ những năm tháng còn khói lửa chiến tranh và gắn liền với nguồn nước sạch thành phố.
Ngày nay, đường Phan Thanh Giản đã mang tên mới là Điện Biên Phủ. Cánh đồng ao trống trải bên đường ngày nào cũng đã san sát nhà cao tầng sang trọng, nhưng tháp "phi thuyền Apollo" thì vẫn còn đó.
Nếu đi từ ngã tư Hàng Xanh đến vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), rất dễ nhìn thấy công trình độc đáo hình phi thuyền Apollo này nằm bên tay phải, sát chân cầu Điện Biên Phủ.
Thật ra, "phi thuyền Apollo" có vẻ rất bí ẩn này chính là trụ điều chỉnh áp lực nước (hay còn gọi là tháp cắt áp) được Mỹ xây dựng vào năm 1963 và đưa vào sử dụng năm 1966 cùng thời điểm với Nhà máy nước Thủ Đức - nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Tổng kinh phí dự trù khi đó hơn 18 triệu đôla Mỹ với nguồn nước được lấy từ làng Hóa An, cách TP Biên Hòa (Đồng Nai) 1,5km.
Trước đó, người Pháp đã làm nước máy ở Sài Gòn, nhưng chỉ có ở khu vực trung tâm, mặt tiền. Chỉ đến khi Nhà máy nước Thủ Đức ra đời thì nước máy mới được "phổ cập" đến 90% người dân ở thành phố.
Cũng từ thời điểm đó, tháp điều áp trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) trở thành một hình ảnh thân thuộc với người Sài Gòn. Nó chính là 1 trong 2 tháp cắt áp của Nhà máy nước Thủ Đức, trụ còn lại ở ngay nhà máy nước này, gần ngã tư Thủ Đức.
Để "mục sở thị" công trình độc đáo mà nhiều người lầm tưởng là... nơi dán quảng cáo, tôi được anh Vũ Trung - nhân viên kỹ thuật của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) - dẫn vào tham quan tháp nằm trong khuôn viên Nhà máy nước Thủ Đức.
Trụ tháp bằng bêtông đã hơn nửa thế kỷ, trông cũ kỹ nhưng còn bền chắc, bên trong có hai ống bơm Service (phục vụ - PV) nối thông với một ống bêtông cấp nước lớn bên dưới. Một ống dùng để bơm nước vào bể chứa trên tháp cắt áp, ống còn lại có nhiệm vụ thu nước về khi nước tràn vào đường ống bêtông lớn truyền tải nước sạch bên dưới.
Hai ống bơm này hoạt động luân phiên và không liên tục, trung bình mỗi ống bơm hoạt động khoảng 5-6 giờ/ngày.
Cạnh đó, một chiếc cầu thang bằng nhôm gắn chắc vào thành tháp để leo lên từng tầng. Tháp có 5 tầng, càng lên cao, tháp càng hẹp, tối và khó đi. Từ lúc bước vào, tôi được yêu cầu đeo đèn pin đội đầu để nhìn thấy lối đi.
Nấc thang thẳng đứng, hệt như leo núi nhân tạo, anh Trung dặn tôi phải cố bám chặt, bước thật chậm bởi nếu sơ sẩy trượt chân sẽ rất dễ bị tai nạn nghiêm trọng.
"Tháp này khó leo. Leo lên hay xuống gì cũng rất mất sức. Có người làm ở đây hơn chục năm chưa leo tới đỉnh bao giờ, nữ lại càng hiếm. Người thì tưởng tháp xây kín bên trong, không vào được. Cô mệt thì xuống chứ đừng cố leo lên, nhất là tầng 5" - anh Trung vừa leo vừa nhắc tôi.
Đúng như lời anh Trung, các bậc thang di chuyển từ tầng 4 lên tầng 5 phải độ hơn 20m, thẳng đứng hơn các tầng còn lại, chỉ cần đứng nhìn cũng dễ khiến người ta bỏ cuộc, huống hồ là leo, mà nhất là với cô gái quê đồng bằng chưa bao giờ tập leo cao như tôi.
Miệng tháp tối và hẹp. Trong quá trình leo, tôi mang balô nhỏ, mấy lần phải khựng lại để lách vì vướng các cạnh sàn, bụi bám đầy. Mất khá nhiều thời gian và sức lực, chúng tôi mới leo tới đỉnh tháp và... ngồi thở và ngắm thành phố từ góc nhìn hoàn toàn độc quyền.

Bên trong “phi thuyền Apollo” - Ảnh: DIỆU QUÍ
"Ống thở" của đường cấp nước
Ái ngại nhìn cô nhà báo đầu tiên đặt chân lên được đỉnh tháp, anh Vũ Trung kể trụ tháp Nhà máy nước Thủ Đức và ở đường Điện Biên Phủ có sự gắn kết với nhau. Tháp ở Điện Biên Phủ cao 46m (theo giấy tờ ghi), đường kính 2m, công suất 1.500 mã lực, thấp hơn so với công suất 2.000 mã lực của tháp nằm ngay nhà máy nước.
Theo anh Trung, cả hai tháp đều có tác dụng cắt áp, chống va đập nước, điều hòa khi áp lực nước tăng đột ngột, bảo vệ đường ống và phòng ngừa sự cố. Tôi đứng trên tầng cao nhất của tháp, nhìn từ các ô cửa nhỏ có thể trông thấy các công đoạn xử lý nước của nhà máy nhằm cung cấp nước sạch cho người dân thành phố, và cả sự sầm uất của Q.Thủ Đức.
Bên trong tầng 5, bể chứa Service với dung tích 62m3 đang có tiếng "rào rào" do nước từ ống bơm bên dưới đẩy lên.
"Nói cho dễ hiểu là khi nước từ nhà máy bơm ra với áp lực quá cao, vượt thiết kế của đường ống thì đến tháp cắt áp, nước dâng lên cao rồi chảy ra ngoài, nhằm giảm áp lực nước. Nếu không, nước sẽ "chạy" vào tuyến ống nhỏ hơn dẫn đến tình trạng xì, bể đường ống" - anh Trung giải thích.
Ngoài ra còn một đường ống đi tắt có van phi 48 được điều khiển mở cho nước tự chảy về mạng lưới khi trạm bơm bị mất điện, nhưng nhà máy hiếm khi mất điện.
"Tôi làm ở đây đã 15 năm nhưng chỉ gặp hai, ba lần cúp điện dẫn đến sự cố nước trào trên đỉnh tháp. Ngoài ra không có sự cố gì thêm" - anh cho biết.
Theo thiết kế, mỗi trụ điều áp có tuổi thọ trung bình 100 năm. 54 năm trôi qua kể từ lúc chính thức đưa vào vận hành, ngoài việc trông bề ngoài cũ kỹ thì trụ tháp vẫn hoạt động ổn, nếu không nói là rất bền bỉ, chắc chắn.
"Tháp chống va được bảo trì theo định kỳ, cả bên trong lẫn bên ngoài. Phía ngoài xây bêtông chắc chắn lắm, chỉ sơn phết bình thường. Còn ở trong thì sơn các ống bơm chống ăn mòn để đảm bảo an toàn cho trụ" - anh Trung nói.
Trời chuyển mưa, tôi leo xuống tháp, lại khó nhọc chẳng khác gì leo lên nhưng lòng lại vui vui kỳ lạ. Với tôi, chiếc "phi thuyền Apollo" từ giờ đã trở nên thân quen, dễ hiểu hơn rồi, nhất là mỗi ngày mở vòi nước sạch...
"Lỗ mũi" của đường ống nước
Trần Tuấn Anh (24 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết anh sống ở Sài Gòn từ nhỏ, thấy tháp nước như cơm bữa.
"Tôi thấy trụ này từ lúc nhỏ, cũng tò mò không biết nó là cái gì. Nhiều năm tôi tưởng người ta xây lên để dán quảng cáo vì nó nằm ngay trung tâm, rất dễ gây chú ý. Bạn tôi còn nghĩ đó là cột thu lôi, vì hỏi người lớn thì nhiều người cũng bó tay, chỉ biết nó được xây trước năm 1975" - anh Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, một người dân hiếm hoi bên đường Điện Biên Phủ cho biết rõ hơn một chút: "Tôi không nhớ chính xác, nhưng biết nó được xây vào đầu thập niên 1960. Trụ tháp này ngày xưa được gọi là "lỗ mũi" hay "ống thở" của đường cấp nước bởi nó giúp giải tỏa áp lực nước. Nhưng giờ không biết còn hoạt động hay không vì thấy nó cũ rồi".
**************
Với nhiều người Sài Gòn, làng đại học Thủ Đức vẫn còn trong bao nỗi nhớ nhung về sự yên bình và không gian học thuật giữa chiến cuộc...
Kỳ tới: Nhớ làng đại học Thủ Đức
DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm