Kinh tế

Tài chính

Sai phạm của BOT và BT: Kiểm toán kiến nghị xử lý hàng nghìn tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Ảnh minh hoạ. Ảnh LA
Từ năm 2016 đến năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông và 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT và kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỉ đồng. 
Nói về thực trạng của các dự án PPP (dự án kết hợp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư) tại Hội thảo Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước sáng 3.3, Ths. Lê Tùng Lâm - Phó Chánh Văn phòng KTNN cho biết, tính đến cuối năm 2018, nước ta đã thực hiện 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án hợp đồng BOT, 188 dự án hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng hợp đồng khác.
Dù có đóng góp quan trọng, các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua đã bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót và là lỗ hổng gây thất thoát Ngân sách Nhà nước.
Đối với kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỉ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán.
Đối với kiểm toán 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỉ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán. 
"Vì vậy, vấn đề đặt ra là nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên đầu người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và Ngân sách Nhà nước sẽ thất thoát lớn", Ths. Lê Tùng Lâm cho biết. 
Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm của các dự án BT và BOT trong thời gian qua như việc lựa chọn nhà thầu không minh bạch, không có tính cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu; vị trí đặt các trạm không được quy hoạch, không đúng cự ly quy định; phương án tài chính không đúng, thông thường chi phí dự án đội lên nhưng doanh thu lại quá thấp so với thực tế; chất lượng công trình kém; khối lượng thi công thấp hơn dự toán lập; hợp đồng BOT lỏng lẻo... 
Đối với các dự án BT, công trình được chỉ định thầu, thiết kế dự toán không phù hợp vì Nhà đầu tư lập; chất lượng công trình kém, trong khi đất đai hoán đổi được chỉ định, giá đất định giá thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường; điều đó làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước cả hai đầu là công trình và đất đai. 
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đánh giá, trong tình hình nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng là rất lớn, trong khi đó nguồn lực của nhà nước có hạn, mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư sẽ là một đòn bẩy để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong tình hình hiện nay của Việt Nam. 
Vì vậy, PPP cần được xem xét ưu tiên trong việc bố trí nguồn lực, cũng như ủng hộ chính sách, pháp luật có liên quan và cam kết từ khu vực nhà nước để thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia. 
Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Thanh cần sớm xây dựng và ban hành Luật PPP. Tăng cường tính minh bạch của tất cả các khâu của dự án. Tăng cường giám sát và kiểm soát các hợp đồng dự án trên nguyên tắc tôn trọng các thỏa thuận của nhà nước và các nhà đầu tư, nhưng đảm bảo các bên thực hiện đầy đủ các cam kết, đảm vảo quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, trong đó KTNN cần phát huy vai trò hơn nữa, không chỉ kiểm toán tài chính mà gồm cả kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. 
Phạm Dung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm