Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Sâm Ngọc Linh: Sắp đến tay người tiêu dùng rộng rãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây nửa tháng, UBND tỉnh Kon Tum và Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh. Từ đây, sâm Ngọc Linh sẽ có quy trình sản xuất, khai thác thương mại nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững.

Bảo vệ hạt cho sâm Ngọc Linh. Ảnh: C.N

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Công Luận-nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Viện Dược liệu Trung ương) cho biết: Hiện nay trên thế giới có khoảng 12 loài sâm, trong đó có 5 loài có chất lượng tốt, đặc biệt là sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học cho thấy sâm Ngọc Linh có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống lão hóa, kháng khuẩn, cải thiện chức năng gan…, là loại cây có giá trị kinh tế cao.

Sau nhiều năm bảo tồn và phát triển nguồn giống, đến nay Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Tô đã trồng được 32 ha sâm và hiện đang bắt đầu tính đến phương án thị trường hóa. Theo ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc Công ty, đơn vị sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâm và cuối năm nay sẽ khai thác từ 200 kg đến 300 kg sâm củ để chế biến các sản phẩm bán ra thị trường. Trước mắt, lá sâm sẽ được sấy khô dùng pha như uống trà. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm như viên sâm ngậm, tinh sâm, sâm sấy khô… Các sản phẩm trên đã được Công ty tiếp thị ngay tại buổi công bố chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sâm củ Ngọc Linh.

 

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax Vietnamennis Haet Grushv thuộc họ nhân sâm, được một dược sĩ phát hiện năm 1973, thuộc dãy Ngọc Linh ở độ cao 1.200 mét, phân bố chủ yếu xung quanh đỉnh Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Trước thực trạng bị khai thác triệt để, năm 1994, cây sâm Ngọc Linh được liệt vào trong danh mục sách đỏ Việt Nam. Đến năm 1999, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập cơ sở nhân giống và bảo tồn giống sâm quý hiếm này.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh, đơn vị đang quản lý khoảng 300 ha, cũng đang ấp ủ những dự tính cho riêng mình. Theo ông Trần Văn Hảo-Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh, chủ trương của Công ty là sẽ mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh bằng hình thức liên doanh, liên kết với các hộ dân tại các xã trồng được sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum. Hiện nay Công ty đã và đang liên doanh liên kết với người dân của 2 xã Măng Ri và Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), toàn bộ bà con đều được Công ty cấp giống, tham gia trồng sâm và được trả lương như công nhân bình thường. Mặc dù không “bật mí” kế hoạch ra sản phẩm, nhưng theo một thành viên của Công ty, trước mắt, một số dự án của Công ty đã bắt đầu hưởng lợi từ sâm. Ví dụ, đàn dê sữa của đơn vị nuôi tại huyện Kon Plông được tiếp cận nguồn thức ăn từ lá sâm Ngọc Linh. Các sản phẩm ban đầu từ sữa dê tươi tiệt trùng đã bắt đầu bán ra thị trường Kon Tum, Gia Lai. Ngoài ra, Công ty cổ phầm Sâm Ngọc Linh dự tính sẽ cho ra mắt các sản phẩm đa dạng, phong phú từ sâm trong thời gian sớm nhất.

Được biết, mặc dù là sâm trồng nhưng thực tế sâm phát triển hoàn toàn tự nhiên, không có bất kỳ sự can thiệp nào từ các loài thuốc bảo vệ thực vật. Con người chỉ tác động bằng cách bảo vệ hoa, củ sâm bằng lưới trùm cho hoa, đào hào chống chuột hay tăng cường độ mùn cho đất bằng mùn…

Như vậy, sau nhiều năm bảo tồn, đến nay tỉnh Kon Tum đã trồng được khoảng 320 ha sâm trên đỉnh Ngọc Linh (chưa kể diện tích trồng trong dân). Tỉnh Kon Tum xác định đến năm 2020 sẽ hình thành một vùng chuyên canh sâm Ngọc Linh với quy mô 1.000 ha. Đến năm 2025 thì diện tích sâm sẽ tăng lên gấp 10 lần. Đây chính là cơ hội để loài sâm quý này đến được rộng rãi với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm