Hái trẩu như một nghề thời vụ để đồng bào Vân Kiều đang cư ngụ nơi các thung lũng sâu có thêm nghề mưu sinh. Trẻ con vùng cao cũng theo nghề rất nhanh.
Cây trẩu mọc nhiều ở cao nguyên Hướng Hóa (Quảng Trị) nhưng không phải ai cũng biết, hạt trẩu dùng để làm gì lại càng không. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô lại nghĩ khác, họ cứ vào rừng hái càng nhiều quả trẩu thì đổi được nhiều cơm gạo…
Lang thang nơi miền cao Hướng Hóa mờ sương, nơi được ví là “tiểu Đà Lạt của Quảng Trị”, bạn rất dễ nhìn thấy những hàng cây lớn hai bên đường, trổ hoa trắng thì biết đấy là cây trẩu. Mỗi mùa hoa trẩu thường tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp trên những cung đường đèo dốc, những nương rẫy làm mê đắm lòng người.
Những cô bé Vân Kiều trong rừng trẩu
Nhưng trẩu không chỉ có hoa đẹp.
Nhiều em bé vùng cao lém lỉnh: “Hoa chỉ ngắm thôi, không ăn được. Quả trẩu cũng không ăn được, nhưng hạt… có thể bán lấy tiền”. Vì thế, trẻ em biết rõ khoảng thời gian nào thì trẩu ra hoa kết trái.
Hành trình vào rừng trẩu của nhóm trẻ em Vân Kiều ở thôn Xa Re (xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa) |
Đầu thu, cây trẩu ở Hướng Hóa vào mùa thu hoạch. Hái trẩu như một nghề thời vụ để đồng bào Vân Kiều đang cư ngụ nơi các thung lũng sâu có thêm nghề mưu sinh. Trẻ con vùng cao cũng theo nghề rất nhanh. Thấy người lớn đi hái trẩu, chúng bám phía sau và lại hái nhiều hơn nhờ vào sự lanh lợi của mình.
Chúng tôi bắt gặp những cô bé Vân Kiều mắt đen láy, lưng đeo những chiếc gùi to tướng ở những ngã đường rẽ vào rừng trẩu ở thôn Xa Re (xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa). 5 cháu gái, chừng 10 - 13 tuổi, đứa đi ủng, đứa chân đất… cười tươi khi gặp khách lạ rồi rỉ tai nhau bằng tiếng Vân Kiều. Hồ Thị Xơi (12 tuổi) kể nhà em cách rừng trẩu chỉ 3 km, hằng ngày ngoài giờ đến lớp, em cùng bạn bè băng đồi dốc tìm hái quả trẩu bán kiếm tiền. “Kiếm tiền để làm gì?”, tôi hỏi. “Để phụ giúp ba mẹ và mua sách vở, quần áo”, Xơi cười phá lên sau câu trả lời như thể được lấy từ trong sách giáo khoa ra.
Tụi nhỏ kể, chúng thường hẹn nhau đi vào ngày nghỉ. Bảy giờ sáng xuất phát, mang theo cặp lồng cơm để ăn trưa trong rừng, lang thang tìm trẩu đến tối mới về nhà. May mắn thì gặp trẩu chín tự rụng xuống đất, còn quả tươi đành phải leo lên cành cao để hái.
Trẻ vùng cao trèo cây hái trẩu. Ảnh: Bá Cường |
Thoáng đã thấy nhóm trẻ Vân Kiều thoăn thoắt như sóc leo lên những cành trẩu. Hồ Thị Trâm (11 tuổi) nhỏ tuổi nhất nhóm, vóc người nhỏ nhắn nên dễ dàng luồn lách, trườn lên những cành cây cao nhất. Trâm hái những chùm trẩu tươi, ném xuống. Bên dưới, đã có một cô bé lo nhặt quả rơi. “Người lớn nặng, không dám leo, sợ gãy cành và ngã. Bọn em thì khác”, Trâm nói.
Khi thấy đã gom được hòm hòm trái trẩu, nhóm trẻ vừa làm vừa chơi, không gì phải vội. Chúng tìm hái sim chín bỏ vào miệng, nhai ngon lành, mỗi khi cười để lộ hàm răng tím màu sim. “Lượm trẩu, trèo cây hái trẩu em không ngại. Nhưng khi gùi trẩu từ rừng về nhà mới đáng lo. Riêng cái gùi đã nặng 2 ký, cộng với số trẩu hái được, trên lưng em cũng trên dưới 10 ký. Vậy nên khi có thời gian thì em dùng dao tách hạt trẩu ra khỏi vỏ ngay từ trên rừng, cho gùi nhẹ bớt”, Xơi nói.
Cũng “kêu ca” một chút cho có chuyện vậy thôi, nhưng khi nghĩ về món tiền thu được từ chiếc gùi nặng trĩu là chúng vui lên ngay. Thử nhẩm đếm, hạt trẩu tươi có giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Mỗi ngày quăng quật trên rừng trẩu, mỗi đứa trẻ có thể kiếm được 50.000 - 100.000 đồng. Ở vùng cao, đó là khoản tiền đáng kể.
Người dân vùng cao nhận giống cây trẩu về trồng để phủ xanh đồi núi trọc. Ảnh: Thanh Lộc |
Xanh lại vùng thảm họa
Hạt trẩu bán được tiền, vì người ta dùng để ép lấy dầu, dùng trong công nghiệp sơn, keo. Những đứa trẻ càng siêng vào rừng hái trẩu hơn, người lớn cũng siêng vào rẫy thu hái.
Nhưng kể từ khi biết rõ giá trị của loài cây bản địa quen thuộc vốn chỉ trồng quanh nương rẫy để chắn gió, nhiều người dân vùng cao ở Hướng Hóa đã “chơi lớn”. Thay vì cứ đến hẹn lại đi “mót” trẩu, người dân ở bắc Hướng Hóa còn tính chuyện trồng thêm nhiều cây mới. Toàn huyện Hướng Hóa hiện có đến 240 ha trẩu nằm rải rác tại các xã Húc, Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Sơn… Vùng cao Quảng Trị vào mùa thu hoạch trẩu chừng hơn 1 tháng nay. Chủ rừng thuê bà con trong bản làng, xách gùi, dao… tất bật đi hái trẩu. Quả trẩu càng được giá cao khi đã khô và tự rụng dưới gốc. Anh Hồ Mơ (ở xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa) cho biết gia đình đã bắt đầu “ngó ngàng” đến cây trẩu và trồng chúng được 5 năm khi nhận thấy giá hạt trẩu rất ổn. “Với 2 ha đất rẫy trồng trẩu, vào mùa thu hoạch, gia đình tôi có thể thu 400.000 đồng/ngày từ hạt trẩu. Thương lái vào tận nơi mua, mình chả lo đầu ra”, anh Mơ nói.
Sau khi hái quả trẩu, phải tách ra để lấy hạt. Ảnh: Bá Cường |
Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, nhìn nhận lợi ích kép của giống cây trẩu, vừa trồng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vừa mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Chính vì thế, chính quyền địa phương muốn nhân rộng các vạt rừng trẩu tại các địa bàn phù hợp, trước mắt đã vận động được hàng chục đơn vị xây dựng điện gió trên địa bàn trồng lại trẩu ở những khu vực bị tác động bởi dự án.
Cả những tổ chức phi chính phủ cũng nhìn thấy tính đa dụng của “lộc trời” trẩu trắng. Hồi giữa tháng 11, tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp với người dân xã Hướng Sơn (H.Hướng Hóa) trồng 10 ha rừng trẩu ở các điểm sạt lở đất. Khu vực rừng này do cộng đồng người dân thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn) bảo vệ, nhưng bị sạt lở kinh hoàng trong đợt mưa lũ lớn năm 2020. Sau một năm, các điểm sạt lở vẫn không có cây cối mọc lên, và cuối cùng người ta đã chọn trẩu để thực hiện sứ mệnh xanh lại vùng thảm họa.
(còn tiếp)
Làm du lịch với trẩu Loại cây bản địa được ví là “lộc trời” ở vùng cao Hướng Hóa vừa có thể mang về nguồn thu cho người dân, vừa phủ xanh những đồi núi trọc, thậm chí có thể góp phần xây dựng bản sắc du lịch cho huyện miền núi này… “Huyện cũng định hướng trồng trẩu trên các vùng đất trống, đất đồi dốc để vừa giữ đất, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch”, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, nói. |
Theo Nguyễn Phúc - Bá Cường (TNO)