Báo xuân

Săn Nghinh Xuân ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một ngày cuối năm, với sự hướng dẫn của những tay “săn” lan lão luyện, chúng tôi lặn lội vào những cánh rừng hun hút thuộc thung lũng Ayun Pa. Mới biết, mùa Xuân ở đây đã đến tự lúc nào, trên những cành cây cao chót vót, nơi những đóa Nghinh Xuân rực rỡ khoe sắc giữa đại ngàn.
 

 

Cái tên Nghinh Xuân mỹ miều này là do người ở phố đặt cho, bởi nó là dòng lan rừng nở vào đúng dịp mùa Xuân-nghinh (nghênh) xuân-chào đón mùa Xuân. Tuy nhiên ngoài cái tên này và ngoài cái tên khoa học dài, khó đọc thì người dân nơi đây vẫn trìu mến gọi nó bằng cái tên mộc mạc: Phong lan trâu.

Nghinh Xuân thuộc dòng rễ gió (chủ yếu sống bằng bộ rễ to, khỏe, vươn ra ngoài đón sương gió thiên nhiên để sống), lá ngắn nhưng bản to và dày, hoa chùm, hương nhẹ…

 

 

Vượt rừng vài chục cây số, mồ hôi nhễ nhại, thở bằng tất cả các… lỗ trên cơ thể, chúng tôi dừng lại bên một con suối nhỏ. Ma Đới-người dẫn đường, cũng là “tay săn” lan lão luyện vẫn tỉnh bơ, cho biết: Trong cả ngàn vạn loại cây rừng, không phải cây nào phong lan cũng ký sinh. Những loại cây rừng mà phong lan hay “bén duyên”, đó là những cây mà nơi vỏ có nhiều khe hở, vì nơi đó có nhiều độ ẩm, dễ thích nghi với loài ký sinh như phong lan. Ma Đới nói: “Mình theo cha đi rừng từ lúc còn… ở truồng, lâu rồi quen, thành kinh nghiệm chứ có ai dạy cho đâu. Phải đi nhiều, chịu khó quan sát mới biết đâu là: hoàng nhạn, long tu, giáng hương, nghinh xuân…” (tên các loài lan rừng-P.V).

Sau một lúc nghỉ lấy sức, chúng tôi tản ra đi tìm lan giữa rừng bằng lăng và các loại cây dầu khác. Hóa ra không phải mình đoàn chúng tôi đi tìm lan mà còn có những người dân bản địa khác cũng đi “săn” lan rừng mang về phố để bán. Đi mấy quả núi, Ma Đới giờ mới phát hiện ra mùi hương đặc trưng của một nhánh nghinh xuân, dù rất cao, rất kín. Ma Đới để ba lô xuống đất, thoăn thoắt trèo lên cây bằng lăng cao vút như con sóc. Tôi ngước cổ đến rơi mũ, thấy Ma Đới nhẹ nhàng, cẩn thận gỡ từng chiếc rễ của nhành lan đang bám vào thân cây. Gỡ xong, anh dùng sợi dây nhỏ đã “thủ” sẵn cẩn thận buộc chéo nhành lan vào sau lưng và nhanh nhẹn tụt xuống.

 

 Ma Đới vui mừng bên nhánh lan tìm thấy từ chuyến đi. Ảnh: Nguyễn Giác
Ma Đới vui mừng bên nhánh lan tìm thấy từ chuyến đi. Ảnh: Nguyễn Giác

Nghinh Xuân thì tôi không lạ bởi nó vẫn được bày bán ở những con phố Pleiku như Hai Bà Trưng, Nguyễn Du hay được cõng trên lưng của người dân bản địa đi bán rong. Song cái cảm giác có được cành nghinh xuân giữa rừng, giữa mùa xuân và trải qua bao khó nhọc thì đây là lần đầu. Vẫn những cái lá ngắn, bản to mà dày, nơi tiếp nối giữa bẹ lá và thân lan, nhú ra cuống hoa dài bằng gang tay, mới chỉ là búp, chưa bung hoa. Ma Đới nói với giọng sành sỏi: “Lan trâu là một trong những loài lan rừng lâu nở và lâu tàn. Bây giờ đã ra búp, nhưng cành này sẽ nở đúng vào dịp Tết đấy!”.

Gần cuối chiều, tập hợp cả đội săn lan nơi con suối, đếm được dăm nhánh Nghinh Xuân và hơn chục loại lan khác. Không nhiều, nhưng cả đoàn ai cũng vui bởi cái cảm giác được tìm Nghinh Xuân giữa rừng Xuân.
    
Tết này, nhiều nhà có lan “ngoại”, mai, đào… riêng tôi và gia đình sẽ ngắm và thưởng thức mùi hương dịu từ chùm Nghinh Xuân tự hái được trong rừng.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm