Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-10-1999 quy định rất rõ, người tiêu dùng có 8 quyền, đó là: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được an toàn, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe hay được đại diện, quyền được bồi thường, quyền được giáo dục tiêu dùng và quyền được sống trong môi trường trong sạch, bền vững.
Thế nhưng, hiện nay trên thực tế quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý triệt để các gian lận thường xảy ra như: Gian lận trong kinh doanh xăng dầu, cước taxi, nước giải khát, các mặt hàng điện tử, điện lạnh; trọng lượng và chất lượng sản phẩm bị giảm như phân bón, sữa,… nhưng người tiêu dùng vẫn phải nhẫn nhịn chịu dù hành vi sai phạm của nhà sản xuất là quá rõ.
Ông Trương Văn Trọng (tổ dân phố 3, phường An Tân, thị xã An Khê) phản ánh: Ngày 28-3-2008, có hai thanh niên đi cùng với ông Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường An Tân đến gia đình ông giới thiệu là nhân viên Công ty cổ phần Ứng dụng Công nghệ Môi trường nước Đại Việt (địa chỉ 95/47 Lê Văn Lương, phường Tân Kiểng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) với mục đích là kiểm tra nguồn nước và mẫu nước sinh hoạt của gia đình ông. Vì hai người này đi cùng với Tổ trưởng tổ dân phố và cho ông biết là đã làm việc và được UBND phường An Tân đồng ý nên ông Trọng hướng dẫn họ vào nhà khảo sát. Qua mẫu nước xét nghiệm ông Trọng thấy trong nước tạp chất quá nhiều (khoảng 30%), nếu dùng sẽ không đảm bảo sức khỏe nên ông mua bộ lọc nước VASSTAR với giá 4.200.000 đồng do nhân viên công ty này đến nhà lắp đặt dưới sự giám sát của chuyên viên kỹ thuật (thời gian bảo hành 2 năm). Ngoài ra, khoảng 6 tháng Công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật đến để kiểm tra và làm vệ sinh bộ lọc.
Qua 4 tháng sử dụng thì hê thống lọc bị sự cố, nước không qua các lõi lọc nên ông Trọng đã gọi điện đến Công ty Đại Việt yêu cầu cử nhân viên đến làm vệ sinh máy và thay lõi lọc mới để gia đình ông có nước sạch sử dụng. Nhưng sau nhiều lần liên lạc với tất cả các số máy in trên thẻ, phiếu bảo hành thì đều nhận được tín hiệu không liên lạc được hoặc số máy đã có người khác sử dụng.
Hay như trường hợp của ông Hưng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku-ông Hưng cho biết: Khoảng tháng 8-2009 ông có mua một chiếc điện thoại của hãng Sam Sung, dùng được 20 ngày thì xảy ra sự cố là màn hình có nhiều vạch ngang xuất hiện, không hiển thị cuộc gọi đến và đi. Ông đem điện thoại đến đại lý yêu cầu kiểm tra để bảo hành thì nhân viên bán hàng cho biết: Điện thoại của ông bị hỏng, lỗi thuộc về người sử dụng, có thể làm rơi nên dẫn đến tình trạng trên. Ông khẳng định mình không hề làm rơi nhưng chẳng thể chứng minh được lỗi thuộc về nhà sản xuất vì nhân viên từ chối nhận bảo hành để sửa chữa.
Nhiều người dân bức xúc: Dù ban hành Luật mà nhà nước không có sự quản lý về chất lượng hàng hóa nên tình trạng quảng bá thương hiệu, quảng cáo hàng hóa sai sự thật về chất lượng qua mạng, qua kênh truyền hình đang tràn lan đã khiến người tiêu dùng “hoa mắt”, do đó nhiều nhà sản xuất đã móc túi không biết bao nhiêu khách hàng nhẹ dạ, cả tin. Nhiều lúc mua nhầm sản phẩm nhưng đành phải… ngậm bồ hòn vì quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ.
Từ thực tế này, trước tiên người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình. Nên xem hạn sử dụng, thành phần, nhà sản xuất khi mua sản phẩm, nên đến nhà phân phối có uy tín để tránh mua nhầm hoặc bán thiếu. Thói quen mua sắm như không lấy hóa đơn mua hàng, mua hàng hóa không nguồn gốc cũng là lý do khiến cho người tiêu dùng không thể thực hiện quyền của mình.
Lệ Hằng