(GLO)- Tôi có người bạn vong niên nguyên là Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia giúp bạn chống chế độ diệt chủng Polpot. Anh và gia đình sinh sống ở một huyện biên giới Việt Nam-Campuchia. Vốn thông thạo tiếng Khmer nên anh thường làm phiên dịch cho các đoàn cán bộ của tỉnh sang nước bạn công tác và ngược lại.
Ngôi nhà ngay khu vực cửa khẩu của anh cũng là “đại lý” buôn bán các sản vật rừng, như: trái khổ qua, chuối hột, mật ong, măng le, nấm linh chi, mộc nhĩ… Trái khổ qua rừng, chuối hột rừng thường được người dân khu vực biên giới thu hái tươi rồi bán cho anh. Gia đình thu mua xong thì phơi khô, sấy, ép rồi đóng vào bao bì bán dần.
Sâm dây phơi khô đóng bì được rất nhiều người ưa thích, mua về làm quà biếu. (ảnh minh họa, nguồn internet) |
Hiện nay, các mặt hàng này giá khá cao, ổn định và được nhiều người tìm mua. Một lít mật ong rừng có giá không dưới 800 ngàn đồng, một ký trái khổ qua rừng sấy khô giá 250 ngàn đồng, mộc nhĩ 300 ngàn đồng, còn chuối hột rừng thì trên 100 ngàn đồng… Hàng hóa thu gom thường được người từ thành phố lên mua lại rất nhanh, thậm chí họ đặt hàng sẵn để gia đình anh gom hàng từ trước. Anh cho biết, nếu như trước kia, người tiêu dùng ưa thích cá lóc bông phơi khô, thịt nai khô… thì những năm gần đây, các loại sản phẩm của rừng như trái khổ qua, chuối hột bán rất chạy do giá trị dược liệu của chúng. Khổ qua rừng có nhiều lợi ích đối với sức khỏe người dùng. Cả gốc, rễ, lá và trái khổ qua đều được sử dụng. Theo y học cổ truyền thì ngoài hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, khổ qua rừng còn có tác dụng làm ổn định và giảm đường huyết, phòng-chống bệnh ung thư, gout… Chuối hột rừng có tác dụng chữa bệnh sỏi thận, các loại bệnh về xương khớp, gout, tiêu hóa, kiết lỵ. Có lẽ nhờ các công dụng này mà người ta đổ xô mua khổ qua rừng, chuối hột rừng về dùng theo hình thức ngâm rượu, sắc uống… nhằm giúp cơ thể phòng-chống bệnh tật. Vậy là sản vật của rừng càng thêm hút khách.
Tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) lâu nay có một sản phẩm nổi tiếng cả nước cũng xuất phát từ rừng, đó là sâm dây Ngọc Linh. Xin nhắc lại đây là sâm dây, khác với sâm Ngọc Linh. Sâm dây gọi đúng tên là đẳng sâm, mọc hoang trên độ cao hơn ngàn mét với khí hậu ôn đới của vùng rừng Ngọc Linh nên tuy giá trị không bằng sâm Ngọc Linh nhưng cũng rất quý. Đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng những năm gần đây mang gùi vào rừng tìm đào sâm về bán cho đầu nậu thu mua, những người này bán lại với giá trên dưới 200 ngàn đồng/kg sâm tươi. Sâm dây còn được phơi khô đóng bì bán giá cao hơn và cũng được rất nhiều người ưa thích, mua về làm quà biếu bè bạn, người thân mỗi khi có dịp ngang qua vùng rừng núi Ngọc Linh. Gần đây, trong lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, sâm dây Ngọc Linh cũng được bày bán nhiều. Có người còn tiên đoán chắc nịch rằng chỉ vài năm nữa thôi, giá sâm dây Ngọc Linh không còn ở mức trên dưới 200 ngàn đồng như lâu nay mà nhất định sẽ tăng lên 2-3 lần chỉ vì một lý do dễ hiểu là rừng không nuôi kịp sâm dây để bán cho người tiêu dùng.
Vậy đấy, những sản vật dưới tán rừng, từ những thứ phục vụ cho sản xuất như song mây, tre nứa… cho đến sâm dây, khổ qua, chuối hột, lá giang, măng le… rồi sẽ cạn kiệt dần nếu như chúng bị khai thác vô tội vạ như lâu nay. Phải chăng ngay từ bây giờ, chúng ta cần có kế hoạch gây giống, bảo tồn nguồn gen, kể cả quy hoạch những vùng rừng nào có thể cho khai thác và ấn định luôn kích thước, quy cách, trọng lượng, số lượng sản phẩm thu hoạch tối đa cho mỗi mùa như đối với một số loài thủy-hải sản, động vật hoang dã mà một số nước trên thế giới cho phép săn bắt?
Thanh Phong