TN - Đất & Người

Sáng ngời lý tưởng cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ là những chiến sĩ cộng sản kiên trung bị địch bắt tù đày, có những năm tháng sống trong xiềng xích, cơ cực nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác, sống hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Vốn được rèn luyện trong thử thách, trở về cuộc sống đời thường, họ đều không bó tay trước khó khăn trong cuộc sống, không chờ đợi, đòi hỏi mà luôn cố gắng vươn lên tự lo cho mình và nuôi con ăn học nên người, thành những công dân tốt. Với họ, việc sống có trách nhiệm, trọn nghĩa vẹn tình, tiếp tục góp phần công sức vào công cuộc dựng xây và phát triển tỉnh nhà, như một lẽ đương nhiên.

 

Vợ chồng bà Nông Thị Mai và ông Trần Văn Thu. Ảnh: T.B

Ký ức chiến tranh

Là Nông Thị Mai (số 80/54 đường Võ Trung Thành, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đón tôi với nụ cười rạng rỡ. Biết rõ mục đích của tôi, bà nhỏ giọng: “Trong gia đình, chúng tôi thường động viên nhau cố gắng sống vui, sống tốt, động viên các con chăm chỉ học hành, trở thành người công dân tốt. Là những chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày, cả hai vợ chồng đều là thương binh, chúng tôi chỉ nghĩ phải sống làm sao cho xứng đáng với niềm tin của con cháu và sự yêu mến của bà con lối xóm”.

Trò chuyện với ông bà, trong giây lát, chúng tôi cùng đắm chìm trong ký ức của những tháng ngày tuổi trẻ hào hùng mà gian khó. Bà Mai tham gia cách mạng năm 1966 ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, khi vừa tròn 14 tuổi.

Vài tháng sau, trong một lần đi công tác bà bị địch bắt, nhốt tại trại giam Quy Nhơn; cuối năm 1967 thì bị đưa đến Trại giam Phú Tài; năm 1972 thì kẻ thù lại chuyển bà đến giam ở Cần Thơ, đến tháng 3-1973 thì bà là một trong những tù binh được Mỹ trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Kể lại những tháng ngày cam go ấy, giọng bà Mai như chùng lại, đầy xúc cảm. Bà bảo: Những gì bà phải chịu đựng trong tù cũng chưa đáng kể gì so với những mất mát mà đồng chí, đồng đội hay như những gì chồng bà phải hứng chịu từ những trận đòn tra tấn của kẻ thù.

Chồng bà, ông Trần Văn Thu (SN 1950, quê xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), hiện là Phó ban liên lạc Hội tù chính trị yêu nước phường Ia Kring, TP. Pleiku. Nhập ngũ năm 1966, sau khi hết thời gian học lớp huấn luyện đặc công Quân khu 5, ông Thu tham gia trận đánh mở màn trong chiến dịch Mậu Thân 1968; trong trận này không may bị thương, bị địch bắt, đày đi Phú Quốc, sau bị địch đưa đến Trại giam Biên Hòa (Đồng Nai) với mục đích dụ hàng chống lại cách mạng.

Không khuất phục được ý chí của người chiến sĩ cách mạng, kẻ thù đành đem ông giam ở trại tù binh thương binh. “Ở trại giam này, tôi tham gia Đội quyết tử, cùng anh em đồng chí đánh trọng thương nhiều tên chiêu hồi phản cách mạng.

Sau cùng, tôi bị chỉ điểm, bị địch tra tấn chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn kiên quyết không khai; bị đưa ra tòa án binh nhưng chúng đành phải xử trắng án vì tôi viện lý do: chống trả để tự vệ người vô cớ đánh mình. Cuối cùng, chúng đành “ngậm ngùi” đưa tôi trở lại nhà tù Phú Quốc, tiếp tục giam trong chuồng cọp, mãi đến tháng 3-1973 thì được tự do theo tinh thần Hiệp định Paris”-ông Thu nhớ lại. Im lặng một đỗi, ông Thu nói: “Gia đình tôi bây giờ thật sự hạnh phúc khi cả vợ chồng, con cái đều được sum vầy; bản thân tôi còn sức khỏe, tham gia nhiều hoạt động của địa phương, như thế đã là vui rồi. Nếu cô muốn tìm hiểu thêm đời sống của những cựu tù chính trị yêu nước, cô nên đến gặp ông Sáu ở phường Chi Lăng…”.

Nụ cười thanh thản

Đem theo lời giới thiệu của ông Thu, tìm đến tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku, hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Trường Sáu, tôi nhận được không ít những lời ngợi khen của bà con chòm xóm dành tặng ông. Ông Sáu đón tôi ngay ở cửa với nụ cười rạng rỡ: “Cô thông cảm, nhà chật chội và bừa bộn quá”.

Tôi cũng cười, đưa mắt nhìn khắp lượt căn phòng, dừng lâu hơn ở những tấm bằng khen và tấm ảnh chân dung, trong hình là một phụ nữ còn trẻ và rất ưa nhìn. “Nhà tôi đấy, chụp hồi mới đi bộ đội-thoáng cái giọng ông Sáu đã đượm nét buồn-Bà ấy mất hồi năm 1991, bị tai nạn giao thông, để lại tôi với 6 đứa con nhỏ, đứa lớn mới 13, đứa nhỏ mới lên hai; giờ thì chúng trưởng thành cả rồi…”.

Xen lẫn trong tiếng húng hắng ho và những tiếng thở dài rất nhẹ, ông Sáu ngồi kể cho tôi nghe câu chuyện của cuộc đời mình. Ông Sáu quê ở xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, 16 tuổi đã tham gia du kích xã. Năm 1966, khi du kích xã ông kết hợp với lực lượng bộ đội đánh giặc trên sông Thu Bồn, ông Sáu có mặt ở cả 3 trận đánh, đến trận cuối thì bị thương ở cánh tay trái, bị địch bắt, giam cầm tại nhà giam Non Nước.

Những ngày bị giam cầm, ông Sáu chịu mọi cực hình, từ bị cột chặt tay chân rồi đưa lên quay điện, bị địch cho uống nước xà phòng rồi đứng giậm lên người cho đến các tra tấn bằng dùi cui, gậy gộc, nhưng ông vẫn kiên định một lòng theo cách mạng. Đến tháng 8-1968, kẻ địch chuyển ông đến Trại giam Phú Quốc với vô vàn những đòn tra khảo dã man.

Cứ như thế đến tháng 3-1973 thì ông và các anh em đồng chí đồng đội có được tự do trong lần trao trả tù binh tại Bình Long-Phước Long. Ra tù, ông về nhận công tác ở Tỉnh đội Quảng Nam, sau một thời gian, vì sức yếu, ông ra quân; năm 1976 thì lập gia đình. Vợ ông là người bạn thuở nhỏ, cùng đơn vị công tác và cũng là thương binh.

Thấy cuộc sống của gia đình quá khó khăn, năm 1980, vợ chồng ông lên Gia Lai lập nghiệp. Năm 1982, hai vợ chồng bàn nhau vay tiền ngân hàng, được 4 ngàn đồng, mua 4 con bò về nuôi. Đến khi ông có đủ tiền để dựng một mái nhà nhỏ, mua được ít đất để trồng cà phê và đàn bò cũng bắt đầu cho thu lợi thì vợ ông đột ngột ra đi.

Ngày ấy, nhìn ông một nách chăm lo cho 6 con nhỏ nheo nhóc, ai cũng thương cảm, có người còn khuyên ông đi bước nữa. Không phải là không có người thương và chấp nhận hoàn cảnh của ông, nhưng sau nhiều đêm không ngủ, cuối cùng ông vẫn quyết định tự mình nuôi con khôn lớn, trong một niềm thương nhớ vợ khôn nguôi.

Ông Sáu thấy mình thật thanh thản. Gian nhà nhỏ của ông lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười của cháu nội, tiếng gửi thưa của con dâu và những tiếng bàn bạc làm ăn của 4 người con trai. “Tôi cho chúng ra ở riêng cả từ lâu rồi, đứa nào cũng cho bằng nhau, gồm một mảnh  đất mặt đường quốc lộ 14 diện tích khoảng hơn 300 m2 và 100 triệu đồng; còn một ít thì để dưỡng già và nuôi thằng út, vậy là cũng đã toại nguyện rồi”-ông Sáu nói.

“Thế sao bác không kiếm một người để dựa lúc tuổi già”-Tôi hỏi rồi mới nhận thấy mình lỡ lời khi nghe ông bộc bạch: “Tôi già rồi, lại ốm đau luôn, sợ làm khổ người ta. Mà thêm người, thêm việc, tôi sợ mình không kham nổi, lại làm khổ con cái…”. Nói rồi ông nhìn tôi cười-tiếng cười như có gió…

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm