Sáng tạo để giữ nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghề dệt truyền thống đang đứng ở vị trí nào trong đời sống của người Bahnar hiện nay, có còn là thước đo đánh giá sự giỏi giang, khéo léo của người phụ nữ? Câu hỏi này không dễ trả lời. Riêng nghệ nhân H’Rin (làng Nghe Lớn, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) mỗi khi thực hiện “sứ mệnh” truyền nghề ở một làng nào đó, bà luôn mang tham vọng sẽ khôi phục lại nghề dệt, trả nó về đúng vị trí trong đời sống văn hóa bản địa.

Làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro là ngôi làng tiếp theo mà nữ nghệ nhân tài hoa đứng lớp. Tuy mới duy trì được 2 tuần nhưng nhiều học viên tỏ ra thành thục. Trong số 37 phụ nữ tham gia, có người đã biết về nghề dệt, có người lần đầu tiên làm quen với nghề truyền thống. Khung dệt được đặt rải rác khắp nơi, trên hiên nhà rông hay ngay dưới bóng mát cây bồ đề cổ thụ. Những đứa trẻ theo mẹ mũi dãi thò lò chơi đùa quanh quẩn bên cạnh. Thỉnh thoảng, chúng ngồi xuống tò mò xem những người phụ nữ miệt mài bên những sợi chỉ xanh đỏ và những dụng cụ lỉnh kỉnh.

Sáng tạo để giữ nghề

 

Giới thiệu một số sản phẩm truyền thống. Ảnh: Hoàng Ngọc
Giới thiệu một số sản phẩm truyền thống. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhiều năm trước, nghệ nhân H’Rin từng chịu trách nhiệm truyền dạy nghề dệt cho thanh niên hai làng Nghe Lớn, Nghe Nhỏ của thị trấn Kông Chro. Khi Trường Trung cấp Nghề An Khê mở các lớp dạy nghề truyền thống cho phụ nữ dân tộc thiểu số, bà tích cực cộng tác, tham gia dạy nghề ở nhiều làng của các xã khác nhau trong huyện. Hàng trăm phụ nữ được bà hướng dẫn, đào tạo đã thành thạo nghề dệt. Bà kể: “Hồi xưa nghề dệt được phụ nữ Bahnar rất yêu thích. Đây còn là thước đo sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Không biết dệt sẽ khó được đám con trai để mắt. Vì thế, con gái lớn lên đã được mẹ dạy cách dệt vải”.

Nhưng 10 năm trở lại đây, nghề dệt dường như bị xem nhẹ. “Bộ váy áo truyền thống của người Bahnar có nhiều bất tiện, khó khăn trong di chuyển, nhất là không thể nào mặc được trong mùa nắng nóng nên chị em chuyển qua những trang phục phù hợp hơn. Hơn nữa việc dệt được một tấm thổ cẩm hiện nay mất nhiều thời gian, có khi vài tháng, khiến chị em không mặn mà với việc xe sợi, dệt vải”-nghệ nhân H’Rin lý giải việc mai một nghề dệt ở nhiều làng dân tộc thiểu số hiện nay. Bà nói, dù có những hạn chế nhất định ấy nhưng bà chưa bao giờ thôi say mê với nghề truyền thống. Bà chia sẻ: “Nhiều đêm cứ hễ nhắm mắt rồi lại nghĩ đến nghề dệt; làm cách nào để phụ nữ Bahnar giữ được sự yêu thích với trang phục truyền thống. Mình nghĩ sao không sáng tạo thêm hoa văn để tấm váy áo thêm sinh động. Hoặc sáng tạo những kiểu may trang phục dựa trên chất liệu thổ cẩm nhưng tiện lợi cho người mặc. Muốn gìn giữ bản sắc cũng cần có sự linh hoạt cho phù hợp với thị hiếu hiện nay”. Vậy nên, nữ nghệ nhân quyết định làm một cuộc “cách mạng”, để giữ nghề.

Lớp học của nghệ nhân

 

Nghệ nhân H’Rin (bên trái) chỉ dẫn cặn kẽ cho các học viên. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghệ nhân H’Rin (bên trái) chỉ dẫn cặn kẽ cho các học viên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Là một nghệ nhân tài hoa trong cách tạo hoa văn truyền thống trên thân vải, trên nền tảng ấy, H’Rin đã sáng tạo thêm nhiều kiểu hoa văn mới. Ngoài ra, bà cũng “biến tấu” một chút trong cách may váy áo truyền thống để người mặc cảm thấy thoải mái, nhất là có thể đi được xe máy. “Lúc đầu tôi rất hồi hộp vì những cái mới, nhưng khi truyền dạy kỹ thuật này ở các lớp, thấy chị em đón nhận tích cực, đa số thích kiểu váy áo may theo kiểu mới vì nó tiện dụng. Vì thế, tôi an tâm tiếp tục truyền dạy cho các lớp sau”.

Thời gian học chưa bao nhiêu, nhưng nhiều chị em đã biết tạo một số kiểu hoa văn mới theo sự chỉ dẫn của nghệ nhân. Cô gái trẻ Đinh Thị Ói (27 tuổi) là học viên trẻ xuất sắc nhất lớp học. Ói cho biết: “Mình biết dệt từ nhiều năm nay, giờ học thêm nhiều kiểu hoa văn mới không khó lắm. Dệt xong tấm này mình sẽ về may váy để mặc. Kiểu hoa văn mới này sẽ làm cho trang phục rực rỡ hơn, mình rất thích. Mình sẽ dệt thêm nhiều tấm nữa để may khố cho con trai 4 tuổi”. Cô gái Đinh Thị H’Rên (16 tuổi) trước khi đến với lớp học của nghệ nhân H’Rin chưa từng biết đến nghề truyền thống. Em bẽn lẽn: “Trước mẹ có dạy nhưng em không chịu học. Được nghệ nhân H’Rin hướng dẫn, em đã biết dệt những đường cơ bản. Dệt vải không khó lắm, em rất thích cách tạo hoa văn mới”.

 

Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Già làng Krung Dăm Gring đi qua đi lại giữa những khung dệt, quan sát. Thỉnh thoảng ông dừng lại nhìn chăm chú một tấm thổ cẩm dệt dở. Già làng nhận xét: “Bây giờ dệt vải bằng sợi bán sẵn nên tấm thổ cẩm không được đẹp, mịn như sợi tự xe bằng bông. Nhưng như thế vẫn được vì giờ nhiều làng bỏ hẳn nghề dệt rồi, đám phụ nữ làng mình dệt vậy là khá. Trong các cuộc họp làng, mình vẫn hay nhắc nhở đám trẻ, phải giữ lấy nghề dệt, giữ bản sắc của người Bahnar”.

Buổi tối ở làng còn có thêm một lớp dạy may, do nghệ nhân H’Rin trực tiếp hướng dẫn. Những tấm thổ cẩm sau khi dệt xong sẽ được thực hành, cắt may thành trang phục truyền thống theo kỹ thuật mới. Nghệ nhân H’Rin cho hay, một số bộ váy áo may theo kiểu mới, hướng tới thuận tiện cho người mặc đã được hoàn thành trong hai tuần vừa qua. Sắp tới đây, những tấm thổ cẩm do các học viên dệt xong sẽ do họ thực hành cắt may tại chỗ. H’Rin chia sẻ: “Những điều tâm huyết nhất với nghề tôi đã mang hết vào lớp học, truyền lại cho các thế hệ phụ nữ Bahnar. Hy vọng các chị sẽ nâng cao tay nghề, giỏi giang hơn tôi để tiếp tục truyền nghề cho thế hệ sau”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm