Kinh tế

Nông nghiệp

Sau 4 năm, nông nghiệp lại rơi vào tăng trưởng âm 1,17%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi trước đó đã chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, hạn hán, xâm nhập mặn, thêm ảnh hưởng của Covid-19, mức tăng trưởng toàn ngành trong quý I/2020 chỉ đạt 0,08%, còn nếu tính riêng nông nghiệp tăng trưởng âm tới 1,17%. Lần gần đây nhất, ngành nông nghiệp rơi vào mức tăng trưởng âm (-0,18%) là 6 tháng đầu năm 2016.
Cụ thể, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp âm (-1,17%); ngành lâm nghiệp đạt mức 5,03% nhưng tỷ trọng lại thấp; ngành thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng tương đương 1/2 cùng kỳ năm trước.
Những tác động bất lợi "chưa từng có"
Dù mức tăng trưởng GDP ngành NN&PTNT không cao, nhưng đây là một nỗ lực không nhỏ của ngành NN&PTNT, các địa phương và bà con nông dân trong việc ứng phó với khó khăn dịch bệnh, thiên tai.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ quý I/2020 tăng tới 15,6%, nhưng bước sang tháng 4/2020 đã có khoảng 80% đơn hàng phải tạm dừng, trong khi chưa tìm được đơn hàng mới.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ quý I/2020 tăng tới 15,6%, nhưng bước sang tháng 4/2020 đã có khoảng 80% đơn hàng phải tạm dừng, trong khi chưa tìm được đơn hàng mới.
Nhớ lại năm 2016 khi nước ta ứng phó với hạn, mặn kỷ lục cả trăm năm mới xảy ra, trong 6 tháng đầu năm 2016 lần đầu tiên nông nghiệp đã tăng trưởng âm 0,18%. Riêng về lúa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chúng ta bị thiệt hại tới 1,3 triệu tấn.
Trong những tháng đầu năm 2020, ngành NN&PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức "chưa từng có" về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 mang tính toàn cầu. Những yếu tố này đã tác động trực diện tới sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Đại dịch Covid-19 gây ra 2 hậu quả đối với toàn cầu: một là, đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới (hiện có hơn 1,5 triệu người ở 209 quốc gia, vùng lãnh thổ nhiễm bệnh); thứ hai, đối với kinh tế đây là một thảm họa mà nhiều nước dùng từ thế chiến thứ II đến giờ phút này chưa có một thách thức, đe dọa nào lớn như kỳ này, gây đứt gãy hết chuỗi cung toàn cầu".
Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 9,06%, tương đương cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hầu hết các mặt hàng đều suy giảm giá trị xuất khẩu ngoại trừ phân bón (tăng 50,9% về lượng và 40% về giá trị), gạo tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị ở hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống (tăng 19,9% về lượng và 27,8% về giá trị), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 15,9% về giá trị).
Đánh giá về tác động dịch Covid-19, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, nhiều mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là nông, lâm, thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn trong quý I/2020 vì đại dịch Covid-19, lúc đầu là thị trường Trung Quốc, sau đó là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và từ đầu tháng 3 là thị trường Mỹ, EU và ASEAN.
Hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường rất đa dạng nhưng chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là các loại rau, quả tươi, thủy sản do đây là các sản phẩm tươi hoặc sơ chế, khó có thể bảo quản lâu dài.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn này đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại – giao thương, dẫn đến việc hủy hàng loạt hợp đồng xuất khẩu; mặt khác còn do thiếu nhân lực và các thủ tục kéo dài vì phải tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh.
Điển hình như mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong quý I/2020, nhưng đến đầu tháng 4/2020 đã có khoảng 80% đơn hàng phải tạm dừng, trong khi chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường lớn như Mỹ (chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu gỗ); EU (chiếm 39%) gần như đã đóng băng; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ còn lác đác những đơn hàng.
Tại các làng nghề truyền thống có đến 70 - 80% sản phẩm không tiêu thụ được, tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Không có đơn hàng nên các doanh nghiệp chế biến gỗ buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ, đã có nhiều đơn vị cho nghỉ 40 - 80% số lao động (hoặc giãn thời gian làm việc).
Không chỉ có vậy, theo Bộ trưởng, những tháng đầu năm 2020 ngành NN&PTNT còn đối mặt với hai thách thức lớn về khí hậu, thời tiết cực đoan, tác động biến đổi khí hậu và các dịch bệnh đe dọa: Chưa năm nào giao thừa mưa ở đồng bằng Bắc bộ, thủ đô tới 140mm; mùng 1 Tết mưa đá ở 11 tỉnh, 12.000 nóc nhà bị thủng mái và từ đó đến nay liên tục tần suất xuất hiện; 3 miền Bắc, Trung, Nam tổ chức vụ lúa Đông Xuân đều bị hạn hán, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL.
Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi lợn nước ta; Sâu keo mùa năm ngoái xuất hiện ở 58 tỉnh, thành phố dù ở quy mô, mức độ nhất định, nhưng đây là loài đa thực, gây hại mấy chục loài thực vật; châu chấu sa mạc có những đàn di cư tới 30-40 tỷ con... Năm 2020, ở khu vực ĐBSCL cũng lặp lại đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục, thậm chí còn cao hơn cả đợt hạn của năm 2015-2016.
Phấn đấu đạt mục tiêu kép
Dù phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh và thiên tai, nhưng NN&PTNT vẫn được xác định là ngành có lợi thế và kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu kép, đó là: chống dịch Covid-19 thành công và duy trì sản xuất để đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước và tận dụng thời cơ thị trường để mở rộng xuất khẩu.
Đối mặt với đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục ở ĐBSCL, nhưng Bộ NN&PTNT đã dự báo sớm và chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó. Chính vì thế, thiệt hại đã giảm thiểu đến mức thấp nhất và năm nay chúng ta đã một vụ lúa Đông Xuân bội thu với 1,54 triệu ha lúa đạt năng suất bình quân 7 tạ/ha. Nhiều vùng khác đã và đang thu hoạch với năng suất cao, từ 6-7 tấn/ha. Hơn 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân tại các tỉnh phía Bắc cũng đang phát triển tốt.
"Về lương thực, chúng ta xây dựng kế hoạch năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc với diện tích cấy lúa vào 7,3 triệu ha và năng suất bình quân 60 tạ/ha. Làm được kế hoạch này chúng thỏa mãn tiêu dùng cho  gần 100 triệu dân từ nhu cầu ăn (100kg gạo/người), cho tới chế biến (hơn 5 triệu tấn), làm giống, dự trữ quốc gia và chúng ta vẫn còn dành 6,5-6,7 triệu tấn gạođể xuất khẩu" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Năm nay, lĩnh vực chăn nuôi dự kiến tăng trưởng ngoạn mục ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nhận định, với tốc độ tăng đàn, tái đàn như hiện nay, chăn nuôi sẽ là "cứu cánh" cho ngành nông nghiệp trong năm 2020 và bảo đảm thị trường nội địa sẽ không thiếu nguồn cung các loại thịt.
Thậm chí, với mật độ và số lượng đàn gia cầm gần 500 triệu con hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo kìm hãm bớt đà tăng xuống dưới 10-11%, thay vì tăng 16% như trong năm 2019 để tránh dư thừa nguồn cung, khó tiêu thụ. Dự kiến tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,9 triệu tấn, tăng 16.3% so với năm 2019.
Cụ thể, sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97% so với năm 2019; thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11%; thịt trâu đạt 98.500 tấn, tăng 3,5%; thịt bò ước đạt 365,3 nghìn tấn; sữa đạt 1,15 triệu tấn, tăng 11,4%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6%.
Lĩnh vực thủy sản năm 2020 cũng đặt mục tiêu phấn đấu tổng sản lượng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. 
Trong kế hoạch đưa ra đầu năm của Bộ NN&PTNT, trong năm 2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp khoảng 3% (Chính phủ giao 2,91-3%), trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 4%, thủy sản tăng 5,2%, lâm nghiệp tăng 4,9%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42-43 tỷ USD.
Theo Khương Lực (Dân Việt)
http://danviet.vn/nha-nong/sau-4-nam-nong-nghiep-lai-roi-vao-tang-truong-am-117-1079315.html

Có thể bạn quan tâm