Sau Tết hầu hết các dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Pleiku đều đẩy giá tăng khoảng 25% so với bình thường. Với mức tăng này, khách hàng không khỏi đắn đo, suy tính khi túi tiền của mình vơi đi quá nhiều.
Hơn nửa tháng sau Tết, giá lương thực, thực phẩm tại các chợ đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” và dần trở về mốc cũ. Các bà nội trợ đỡ “choáng váng” khi đi chợ và đã có thể chấp nhận được với mức giá hiện tại.
Các dịch vụ ăn uống lại đồng loạt tăng giá. Ảnh: Hương Sơn |
Trái lại, các cửa hàng, dịch vụ ăn uống sau Tết lại đồng loạt đẩy giá lên cao. Mức tăng trung bình của các hàng ăn từ 20% đến 25% (tối thiểu tăng thêm 5 ngàn đồng mỗi suất ăn). Chị Loan-chủ tiệm Bún cá Quy Nhơn, đường Nguyễn Du (TP. Pleiku) lý giải: “Bây giờ giá ngoài chợ tăng dữ quá, mình không muốn tăng cũng không được. Tăng giá lên vậy nhưng cũng chẳng có lời hơn đâu, em ơi!”. Trước đây, một tô bún cá chị Loan bán với giá 15 ngàn đồng nhưng từ ngày mở quán bán lại sau Tết thì mỗi tô chị tăng thêm 5 ngàn đồng, tức là giá 20 ngàn đồng/tô.
Các quán ăn sáng khác cũng cùng chung xu hướng tăng là quán Hạnh, đường Quyết Tiến; quán phở Nam Định đường Trần Phú; một loạt quán phở trên đường Cù Chính Lan, Thống Nhất... Không riêng những quán này mà hầu hết các quán ăn bình dân trên địa bàn TP. Pleiku bây giờ giá đã không còn bình dân chút nào.
Chị Hậu-một giáo viên than thở: “Bây giờ ăn uống đắt quá, lương công chức như mình không đủ để chi tiêu cho ăn uống. Riêng tiền ăn sáng của vợ chồng và hai đứa con nhà mình đã mất gần 100 ngàn đồng rồi, thêm tiền đi chợ cho cả nhà nữa là mất đứt 200 ngàn đồng một ngày. Kiểu này phải siêng dậy sớm nấu cơm cho cả nhà ăn sáng để tiết kiệm được chút ít, chứ cứ ăn ngoài thế này chắc phải đi vay tiền ăn mất thôi!”.
Ở TP. Pleiku hiếm kiếm được quán ăn nào có giá dưới 15 ngàn đồng một dĩa cơm, quán “bình dân” nhất cũng đã có giá 18 ngàn đồng/dĩa. Chị Phương-một người vừa mới chuyển đến Gia Lai làm việc được vài tháng chia sẻ: “Mình thật sự choáng váng với giá cả ăn uống ở đây. Trước giờ mình sống ở Quy Nhơn, giá cả ăn uống dễ chịu lắm. Khoảng 10 ngàn đồng là có một dĩa cơm tạm ổn rồi, muốn ngon thì chỉ cần khoảng 15 ngàn đồng thôi. Ở đây mình thấy dĩa cơm giá 20 ngàn đồng vẫn còn khó nuốt”.
Bước chân váo quán cơm tấm trên đường Đinh Tiên Hoàng thấy chủ quán niêm yết giá 25.000 đồng/dĩa, hộp, chúng tôi muốn quay ra nhưng lỡ ngồi vào bàn rồi thì cũng đành ngậm ngùi ăn cho xong bữa. Quán này trước Tết giá mỗi dĩa cơm chỉ có 20 ngàn đồng, mức giá với túi tiền công chức có thể chịu được, giờ thấy tăng giá thì phát hoảng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ theo thông lệ, sau Tết là các cửa hàng ăn uống lại tăng lên một nấc giá mới (tăng từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng) và sẽ đứng yên ở mức giá mới mà không giảm cho dù giá cả các mặt hàng thực phẩm trên thị trường có giảm đi chăng nữa. Nếu theo lý giải của chủ các cửa hàng ăn uống họ tăng giá vì giá thực phẩm tăng, vậy tại sao khi giá thực phẩm giảm họ không chịu giảm?
Cách “điều chỉnh giá” ồ ạt, tự do, chỉ có tiến mà không có lùi của các hàng ăn đã làm cho những người phải thường xuyên ăn uống ở ngoài lo lắng cho túi tiền của mình.
Hương Sơn