Kinh tế

Sau Tết, nhiều mặt hàng không hạ giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù sau Tết đã hơn chục ngày, thế nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn cao hơn trước Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm.

Tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Pleiku, các tiểu thương bán hàng khai Xuân khá sớm, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu đầu năm như: trái cây, hoa, thịt gà, thịt bò, các loại tôm, cá tươi…

 

Ảnh: Lê Lan

Theo chị Hiền- chủ một sạp trái cây ở chợ Hoa Lư (TP. Pleiku), trước Tết hàng bán chạy và hết sớm, sau Tết giá một số mặt hàng trái cây vẫn giữ ở mức cao như giá cam tươi khoảng 35.000-40.000 đồng/kg tùy loại, bưởi 35.000-40.000 đồng/kg; quýt Thái 50.000 đồng/kg, xoài 25.000 đồng/kg. Đặc biệt, đầu năm nên các loại trái cây như: mãng cầu, đu đủ, dừa, thanh long được nhiều khách lựa chọn mua để cúng, vì vậy, giá tăng cao hơn khoảng 3.000-5.000 đồng/kg, chẳng hạn thanh long và bưởi trước Tết là 35.000 đồng/kg thì bây giờ là 40.000 đồng/kg (đắt hơn 5.000 đồng/kg)… Lý giải nguyên nhân giá trái cây tăng cao, các tiểu thương đều cho rằng đầu năm các chủ xe vẫn còn lo ăn Tết nên việc vận chuyển hàng hóa ít, giá cước cũng cao hơn.

Bên cạnh hoa quả thì giá cả các mặt hàng thực phẩm vẫn khá đắt đỏ so với ngày thường: giá thịt bò ngon 300.000-330.000 đồng/kg; thịt gà sống 150.000-160.000 đồng/kg; cá tươi 65.000-200.000 đồng/kg tùy loại… Đây cũng là cái “cớ” để các quán ăn được dịp tăng giá đáng kể với lý do nguyên liệu tăng giá hay lương trả nhân viên tăng… Tại TP. Pleiku, hầu hết các quán bún, phở đều tăng bình quân thêm 5.000 đồng/tô. Anh Nguyễn Đức Huy (Trần Phú-TP. Pleiku) cho hay: “Quán bình dân mình thường ăn cũng tăng, từ 20.000 đồng/tô nay lên 25.000 đồng/tô, đến bánh xèo cũng tăng lên thêm 1.000 đồng/cái”.

Tuy nhiên, không phải quán nào cũng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”. Quán bún chả Hà Nội hay bánh canh chả (đều ở đường Nguyễn Trường Tộ) giá vẫn giữ nguyên. Chủ quán bún chả Hà Nội cho hay: “Dù giá thịt, rau đều tăng mỗi thứ một ít nhưng những ngày Tết quán vẫn giữ nguyên giá 30.000 đồng/tô”.

Riêng các mặt hàng rau, củ giá cả sau Tết khá bình ổn, ít có sự biến động. Chẳng hạn sup lơ xanh giá 20.000 đồng/kg; mướp đắng 10.000 đồng/bó; rau cải 3.000 đồng/bó... Có thể đây là mặt hàng “cung” lớn, khó trữ nên các tiểu thương buộc phải bán đúng giá.

Giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm. Một chị đi chợ cho biết: Ra chợ thấy cái gì cũng tăng cao, mua đồ ăn cứ như bị móc túi vậy. Ngày thường mua cá bống chỉ mười mấy ngàn đồng/lạng vậy mà sáng nay mua 20.000 đồng/lạng.

Theo đánh giá của Sở Công thương Gia Lai, tình hình giá cả, thị trường Tết năm nay cơ bản ổn định, tuy có biến động tăng giảm một số mặt hàng nhưng không đột biến vào những ngày cao điểm. Việc tăng giá một số mặt hàng trong những ngày Tết mang tính quy luật, do nhu cầu mua sắm tăng cao. Trị giá hàng hóa bán ra thị trường phục vụ Tết đạt khoảng 80% kế hoạch dự trữ, tương ứng với số tiền 2.508 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các siêu thị: Co.op Mart Pleiku, Vinatex Pleiku, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm