Kinh tế

Sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân trồng cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 10-7-2010, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), đoàn công tác Bộ tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện KT-XH và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2010.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài chính có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban kinh tế- Ngân sách HĐND và các sở, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã Ban hành Chỉ thị, Quyết định chỉ đạo thực hiện hiệu quả nội dung Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển KT-XH và dự toán ngân sách 2010; các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm.
Ảnh: Đức Thụy
Căn cứ vào chương trình công tác, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2010. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay đạt 12,66%. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 3.410 tỷ đồng. Thu ngân sách 1.140 tỷ đồng, đạt 59,2% so với dự toán Bộ tài chính. Chi ngân sách 1.840 tỷ đồng, bằng 48% dự toán của Bộ tài chính. Huy động vốn ngân hàng 7.101 tỷ đồng, tăng 17,9%. Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội đạt kết quả tốt, nổi bật là kết quả đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực này. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn được giữ vững.
Thông qua buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh khắc phục tình hình hạn hán làm thiệt hại 19.000 ha cây trồng; tổng giá trị bị  thiệt hại khoảng 17 tỷ đồng. Cấp bù phần hụt thu ngân sách của tỉnh do thực hiện chính sách miễn giảm một số sắc thuế theo tinh thần Nghị quyết 30/2008/NQ-CP là 95,286 tỷ đồng. Bổ sung vốn cho Bộ quốc phòng phân bổ cho Quân đoàn 3 triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ kế hoạch mở rộng, nâng cấp sân bay Pleiku. Bố trí phần vốn còn lại hơn 47 tỷ đồng để tỉnh triển khai xây dựng 11 trung tâm cụm xã. Bổ sung vốn có mục tiêu vào dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh để tỉnh triển khai đề án đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Đặc biệt là xem xét bổ sung thêm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho tỉnh thực hiện các dự án: Kiên cố hóa trường học; bệnh viện đa khoa tuyến huyện và bệnh viện đa khoa khu vực và tuyến tỉnh. Hỗ trợ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng dự án BOT quốc lộ 14 đoạn từ Pleiku- cầu 110 (Đak Lak). Sớm cấp bổ sung phần kinh phí thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty 15- Bộ quốc phòng đứng chân trên địa bàn tỉnh trong các năm 2009 và 2010. Phân bổ vốn đầu tư xóa thực trạng vùng trắng thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng cà phê của tỉnh; đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn; xem xét xây dựng cơ chế, chính sách tương tự như chương trình 135 để hỗ trợ cho các xã, huyện khó khăn của tỉnh phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính ghi nhận các ý kiến đề xuất của lãnh đạo tỉnh. Theo đó, yêu cầu lãnh đạo tỉnh sớm có văn bản cụ thể gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét bổ sung vốn. Riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định nếu là vốn đã được duyệt trong chương trình tổng thể thì Bộ sẽ giải quyết. Còn nếu tỉnh bổ sung thêm thì nhanh chóng làm báo cáo bổ sung gửi về Bộ. Đồng thời khẳng định thời gian tới Bộ sẽ có kế hoạch vào làm việc với tỉnh để xây dựng căn cơ chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng cà phê khi trượt giá.
Riêng giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội thời gian còn lại của năm 2010 và những năm tiếp theo; Bộ trưởng Bộ Tài chính lưu ý lãnh đạo tỉnh tích cực chỉ đạo thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở cho các gia đình khó khăn về nhà ở; kiểm soát giá cả thị trường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực. Đặc biệt là  nghiên cứu có giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp nhận người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc để rút ngắn tỷ lệ đói nghèo theo hướng bền vững…
Q.V

Có thể bạn quan tâm